Quả chay.
Cây chay (chay bắc bộ, chay ăn trầu, chay vỏ tía) là cây gỗ to, cao 10 – 15m, thân nhẵn, mọc thẳng, phân cành nhiều. Cành lá non có lông hung, sau nhẵn, vỏ màu xám. Lá mọc so le, xếp thành hai hàng, phiến có hình trái xoan hay bầu dục, dài 7 – 15cm, rộng 3 – 7cm, đầu nhọn, gốc tròn, gân nổi rõ, mặt dưới có lông ngắn màu hung. Hoa mọc đơn độc ở nách lá.
Quả phức gần tròn, cuống ngắn màu vàng, thịt mềm màu hồng, vị chua, ăn được. Hạt to, chứa nhiều nhựa dính. Mùa hoa tháng 3 – 4, mùa quả tháng 7 – 9. Cây mọc hoang dại và được trồng nhiều ở các tỉnh Trung Du và đồng bằng Bắc Bộ.
Bộ phận dùng làm thuốc là quả và rễ, lá. Người ta thu hái rễ và lá gần như quanh năm, phơi hay sấy khô không phải chế biến gì khác.
Nghiên cứu hóa học cho thấy, cây chay có một hàm lượng lớn các flavonoid – một hoạt chất có hoạt tính sinh học mạnh: Maesopsin, Alphitonin, Kaempferol, Artonkin. Đây là bốn hoạt chất hiếm tìm thấy trong tự nhiên, được cho là thành phần chính có tác dụng ức chế miễn dịch. Trong vỏ và rễ cũng có nhiều tamin.
Theo y học cổ truyền, quả chay có vị chua, tính bình, có tác dụng thu liễm, cầm máu và thanh nhiệt, khai vị giúp tiêu hoá, làm ăn ngon cơm. Rễ chay có vị chát, cũng có tác dụng làm se.
Nhân dân thường dùng vỏ, rễ chay nhai như nhai trầu có tác dụng làm cho chắc răng. Quả chay chín ngoài ăn sống, nấu canh chua (có thể phơi khô cất dành để nấu canh) còn dùng ăn hoặc ép lấy nước để chữa phổi nóng, ho ra máu, thổ huyết, chảy máu mũi, đau họng, hoặc dạ dày thiếu toan, kém ăn…
Nếu không có quả chay tươi thì dùng quả chay khô hay rễ chay sắc uống. Sở dĩ quả chay chữa phổi nóng, ho ra máu, chảy máu cam hiệu quả là do quả này chứa rất nhiều vitamin C thiên nhiên và các axit amin… Lá và rễ chay dùng để sắc uống, có tác dụng chữa đau lưng, mỏi gối, tê thấp và chữa rong kinh, bạch đới. Liều dùng 10 – 20g dạng thuốc sắc.
Tê thấp đau lưng, mỏi gối: Lá và rễ chay 20g, thổ phục linh 15g, thiên niên kiện 16g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
BS Nguyễn Văn Quang
(Hội Nam y Việt Nam)