Theo thông báo kết luận mới nhất của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội, không có ai trong số gần 3.000 giáo viên hợp đồng lâu năm có đủ điều kiện để xét tuyển dụng đặc cách trong đợt tuyển viên chức giáo dục sắp tới.
Như vậy, gần 3.000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội từng có thời gian công tác từ 5 – 20 năm sẽ phải trải qua kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục bằng hai hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển mà không có bất kỳ ưu tiên gì.
Thông tin này đã làm dấy lên nỗi lo lắng của hàng nghìn giáo viên lâu năm ở Hà Nội, bởi họ có nguy cơ mất việc khi phải thi trong tình trạng tự biết mình khó đáp ứng được các tiêu chí để được trúng tuyển, đặc biệt là trong sự cạnh tranh với những người trẻ.
Ông Nguyễn Văn Hiệu, giáo viên trường THCS Kim Lũ, huyện Sóc Sơn chia sẻ với báo chí, ông và các giáo viên đã rất hy vọng được xét tuyển đặc biệt, nhưng cuối cùng không một ai nằm trong đối tượng được đặc cách.
Bản thân ông và các đồng nghiệp giờ không biết có thi hay không, đặc biệt là ở phần phỏng vấn vì chẳng có căn cứ nào để khiếu nại, cũng không ai giám sát, bảo sai thì sai, bảo đúng là đúng. Trong khi đó, quy định không cho phép người trượt phỏng vấn có quyền khiếu nại, thắc mắc.
Điều đặc biệt, đây là năm đầu tiên đòi hỏi thi viên chức phải có môn ngoại ngữ. Trong khi đó, với giáo viên lớn tuổi, kiến thức ngoại ngữ đã rơi rụng gần hết. Cho nên, với tiêu chí này, nhiều người trong số họ đã tự dự đoán được trước tương lai "chưa thi đã trượt" của mình.
Mới đây, trong buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn với 256 giáo viên hợp đồng của huyện, một cô giáo đã khóc giữa hội trường khi trải lòng về nỗi lo lắng này.
“Nếu thi, chắc chắn tôi sẽ trượt. Tôi trượt không phải vì chuyên môn mà vì mấy chục năm nay kiến thức ngoại ngữ đã rơi rụng hết”.
Và điều buồn nhất đối với các giáo viên, sau rất nhiều năm cống hiến cho giáo dục, nhiều người đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp quận, huyện, thành phố, thậm chí còn có những người đã được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục... thì giờ họ có cảm giác bị bỏ rơi, không hề được quan tâm.
Việc thi trượt, với họ, không chỉ là mất đi một công việc, mà còn là danh dự, sĩ diện với học trò. Bà Trần Thị Toàn, Phó Trưởng Phòng Nội vụ (UBND huyện Sóc Sơn) chia sẻ: “Về góc độ cá nhân, tôi rất thương các thầy cô giáo hợp đồng lâu năm. Nhưng bây giờ, cơ chế chính sách như vậy. Đi thi thì không thể nói là mình có tuổi rồi”.