Hàng loạt các sai phạm về thực phẩm chức năng

(khoahocdoisong.vn) - Dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nghiêm chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định về thực phẩm chức năng (TPCN) nhưng tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn phổ biến, đòi hỏi người tiêu dùng phải tỉnh táo khi lựa chọn sản phẩm liên quan.

Làm giả tinh vi và quảng cáo sai sự thật

Trang thông tin của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục thông báo về tình trạng TPCN bị làm giả, quảng cáo sai sự thực lừa người tiêu dùng. Ngày 15/7, Cục thông báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên bổ thảo mộc G Star của Công ty TNHH dược và mỹ phẩm Anpha gold có chứa chất Phenolphtalein (Công ty TNHH dược và mỹ phẩm Anpha gold có địa chỉ: Tầng 5, số 47 Thanh Liệt, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) lưu hành trên thị trường có dấu hiệu của việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, vụ việc có dấu hiệu hình sự. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với cơ quan Công an xử lý; chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố kiểm tra giám sát việc lưu hành sản phẩm này trên địa bàn.

Cùng ngày là thông báo quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hỗ trợ giảm cân Mộc Thảo trên một số website không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo...

Qua nhiều vụ phát hiện và thu giữ sản phẩm TPCN gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách để phát triển, quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, chưa phù hợp, thiếu tính khả thi khiến không ít doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN làm ăn gian dối. Đó là chưa kể trên các trang mạng xã hội đang có tình trạng “loạn quảng cáo” TPCN, quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, đánh lừa người tiêu dùng về công dụng thực sự của sản phẩm.

Theo Cục An toàn thực phẩm, chỉ trong một tháng qua, cơ quan này đã ra quyết định xử phạt 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN vi phạm quy định về quảng cáo với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến nay, 24 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền trên 1,62 tỷ đồng. Trong đó, có những vi phạm nghiêm trọng như sản xuất, bán sản phẩm TPCN không có giá trị sử dụng, quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Đó là chưa kể sai phạm về ghi nhãn TPCN không đúng với quy định của pháp luật, sai so với hồ sơ công bố, sử dụng hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một số cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng.

Kựcông thỏa hiệp với sai phạm

Theo quy định, từ ngày 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) thì mới được sản xuất. Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra của các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất TPCN trên địa bàn, nếu doanh nghiệp chưa có chứng nhận GMP mà vẫn sản xuất thì sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Với quy định này, nhiều người kỳ vọng sẽ giúp “thanh lọc” thị trường TPCN vốn đang “vàng thau lẫn lộn”, giúp người tiêu dùng chọn được các sản phẩm chất lượng.

Tuy nhiên, từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật của TPCN, đồng thời kiểm soát chặt chẽ về giá, thành phần công bố, hồ sơ quảng cáo... để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp muốn hoạt động thì phải tuân thủ các quy chuẩn, quy định, tuyệt đối không dễ dãi và thỏa hiệp bởi đây là vấn đề liên quan tới sức khỏe, tính mạng của người dân.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho rằng, với nhiều sản phẩm TPCN bị phát hiện làm giả, kém chất lượng như thời gian qua, ngành Y tế cần tập trung thanh tra việc thực hiện quy định về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc tại các cơ sở liên quan trên cả nước và phải kiểm soát đặc biệt đối với việc thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Các cơ quan chức năng ở địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, TPCN, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, để quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử phạt các hành vi vi phạm với khung cao nhất; thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm, tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi trên thị trường.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top