Hải sâm còn có tên là đỉa biển, là động vật không xương sống, sống ở ven biển, nơi có đá ngầm, ở độ sâu khoảng 5 - 7m. Hải sâm có sức sống rất mãnh liệt, có thể chịu đựng được các điều kiện khắc nghiệt như phải sống ở độ sâu 6.000m, áp lực nước biển tới 600 asmospheres. Đặc biệt, nó có khả năng tái sinh rất cao (nếu chưa chết hẳn, sau 30 ngày sẽ phát triển thành nhiều hải sâm nhỏ). Thân hải sâm hình ống, dài như quả dưa, ở giữa phình ra, hai đầu thon nhỏ. Da mềm, có những phiến xương nằm rải rác dưới da.
Ở Việt Nam có 4 loài hải sâm thuộc 2 chi là: Chi Holuthoria có 3 loài: H.scalera màu trắng, dài khoảng 40 - 50cm (có khi đến 70cm). H. vagabunda, màu đen, dài khoảng 30 - 40cm. H.impatiens, màu nâu; Chi stichopus có loài S.chloronotus (màu đen sẫm) dài khoảng 30cm, trên lưng có 2 hàng gai thịt.
Trên thế giới hải sâm có ở nhiều nước châu Á và Đông Phi. Ở Việt Nam, hải sâm có nhiều ở các vịnh của các tỉnh như Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hoà, Vũng Tàu , Kiên Giang... Các đảo lớn như Phú Quốc, Côn Đảo... Nhiều nước đã nuôi hải sâm để bảo vệ nguồn lợi và xuất khẩu.
Từ cổ xưa loài người đã biết dùng hải sâm làm thức ăn và thuốc bổ quý. Theo y học cổ truyền, hải sâm tính ôn, vị ngọt, vào các kinh: Can, thận, tâm, tỳ, phế. Có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi khí, ích tinh, bổ dưỡng, tăng cường sinh lực; ngoài ra còn có tác dụng cầm máu, tiêu đờm, chữa hen phế quản, ho, thần kinh suy nhược, nhuận tràng. Không dùng hải sâm thường xuyên cho những người khoẻ mạnh xa vợ, chưa vợ.
Theo Viện Công nghệ Sinh học Việt Nam, hải sâm Việt Nam (khô) có 63,2 - 67,22% đạm (chứa 18 loại axit amin trong đó có nhiều thứ quý như lysin, argynin, prolin... Chất béo chỉ có 1,35 - 3,05%. Không có cholesterol. Các khoáng chất như selen 5,5 - 13,7mg/kg; canxi, sắt, kẽm. Các hormon testosteron, progesteron. Các vitamin nhóm B. Các saponin: Rg (hưng phấn thần kinh, tăng cường thể lực, chống mệt mỏi), Rh (ức chế tế bào ung thư).
Chế hải sâm (để dùng dần): Hải sâm tươi mổ bỏ ruột rửa sạch, thái nhỏ. Gừng tươi cạo sạch vỏ, giã nát trộn với hải sâm để ướp (theo tỷ lệ 20g gừng tươi cho 100g hải sâm). Nếu là hải sâm khô thì tỷ lệ gừng tươi là 50g/100g. Ướp trong 60 phút, sau đó cho nước vừa ngập rồi “om” ở nhiệt độ 80oC trong 240 phút, lại đun sôi tiếp trong 15 phút. Ta được hải sâm chế (các protid được thuỷ phân thành các axit amin dễ hấp thu vào cơ thể người dùng).
Bảo quản: Cho vào lọ rộng miệng có nắp kín, khô, sạch; đặt trong ngăn đá của tủ lạnh, để dùng dần.
Cách tính liều dùng: 100g hải sâm chế, tương đương 20g hải sâm khô.
Hải sâm nấu câu kỷ tử + hoài sơn: Hải sâm chế 100g, câu kỷ tử 20g, hoài sơn 25g (nếu là củ mài tươi thì 100g). Cho câu kỷ tử và hoài sơn với nước vừa ngập khoảng 1cm, ngâm trong 60 phút cho trương nở, sau đó cho tiếp hải sâm chế, thêm nước cho vừa ngập rồi nấu chín, cho gia vị vừa miệng. Ăn vào bữa sáng. Mỗi liệu trình 15 ngày. Tác dụng: Bổ thận, tráng dương, tăng miễn dịch; chống lão suy, chống mệt mỏi, hạ cholesterol/máu; tinh trùng ít, yếu; di mộng tinh; dương nuy; lãnh cảm nữ
Hải sâm + thịt dê: Hải sâm chế 50g, thịt dê 100g thái mỏng, gừng tươi giã nát 20g. Bóp thịt dê với 5g muối và gừng để yên trong 20 phút sau đó cho hải sâm chế vào, thêm 100ml nước, đun sôi đến khi chín thịt dê là được. Ăn ngay lúc nóng. Chữa chứng mệt mỏi, dương nuy, lãnh cảm nữ. Mỗi tuần ăn 1 - 2 lần.
DS Trần Xuân Thuyết