Hà Nội dự kiến chi 3.000 tỷ đồng xây dựng thành phố thông minh

Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến Hà Nội sẽ dành 3.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố thông minh. Bên cạnh việc phủ sóng wifi trong không gian khu vực phố đi bộ tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội đã thực hiện hàng loạt ứng dụng công nghệ vào quản lý điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công ích cho nhân dân.

Chiều 5/12, HĐND thành phố Hà Nội đã xem xét Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Trong những năm qua, Hà Nội đã có nhiều bước thay đổi trong khâu ứng dụng công nghệ thông tin để tạo bước đổi mới trong công tác quản lý đô thị. Bên cạnh việc phủ sóng wifi trong không gian khu vực phố đi bộ tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội đã thực hiện hàng loạt ứng dụng công nghệ vào quản lý điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công ích cho nhân dân.

Cụ thể, thành phố đã thí điểm ứng dụng tìm kiếm và trả tiền đậu ôtô qua điện thoại (Iparking) và sẽ triển khai trên tất cả các quận và dự kiến 31/12, hệ thống bản đồ giao thông Hà Nội cung cấp thông tin về tình trạng giao thông và vận tải hành khách công cộng cho người dân và du khách sẽ hoàn thành.

Đồng thời, Thành phố đã đưa vào vận hành 456 dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đến cuối năm đạt 55%. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT đứng thứ 2/63 tỉnh, thành. Đến nay, tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%; doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98%; thủ tục hải quan điện tử đạt 100%.

Với những quyết tâm của chính quyền thành phố, xếp hạng cải cách hành chính của Hà Nội đứng thứ 3 trong cả nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cải thiện qua từng năm. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63, cao nhất từ trước tới nay. Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông.

Trong năm 2017, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng một số hệ thống điều hành thông minh. Trung tâm giám sát điều hành tập trung của thành phố, gồm 6 chức năng chính: giám sát – điều hành giao thông và an ninh công cộng; điều hành thông tin ứng cứu khẩn cấp; giám sát bảo đảm an toàn thông tin và hỗ trợ kỹ thuật; tổng hợp phân tích dữ liệu; thông tin hỗ trợ công dân và dịch vụ công ích; thông tin báo chí truyền thông.

Hệ thống giao thông thông minh dự kiến được xây dựng với 8 chức năng: bản đồ giao thông; vận tải hành khách công cộng; an ninh, điều hành phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; hệ thống thu phí không dừng, điều tiết giao thông, hạn chế giao thông tại một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường…

Hệ thống du lịch thông minh gồm 7 chức năng: kho dữ liệu tích hợp cho ngành du lịch; bản đồ số du lịch; cổng thông tin du lịch và ứng dụng trên di động; hệ thống phân tích dữ liệu lớn (Big Data) cho dự báo du lịch thông minh; hệ thống wifi công cộng; hệ thống tra cứu thông tin du lịch và hỗ trợ khẩn cấp; thiết bị đầu cuối tại khách sạn 5 sao. Ngoài ra thành phố tiếp tục tạo lập hệ thống thông minh trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, năng lượng, môi trường…

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Hà Nội đặt ra mục tiêu cụ thể là 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. UBND Thành phố cũng nêu rõ trong thời gian tới Hà Nội sẽ hình thành các thành phần cơ bản của Thành phố thông minh, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata), ứng dụng trí tuệ nhân tạo, IoT (intertnet kết nối vạn vật), phân tích và xử lý dữ liệu hỗ trợ lãnh đạo các cấp ra quyết định kịp thời, chính xác… Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến Hà Nội sẽ dành 3.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố thông minh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Lan Tú cho biết, khung kiến trúc Thành phố thông minh đang được Chính phủ giao các bộ ngành xây dựng và mỗi đô thị sẽ có cách tiếp cận khác nhau.

Theo lộ trình xây dựng Thành phố thông minh của Hà Nội sẽ có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2016-2020: Hình thành cơ bản các thành phần như nền tảng cơ sở hạ tầng; xây dựng hệ thống thông minh: Giao thông, du lịch, giám sát môi trường, bảo đảm an ninh trật tự. Giai đoạn 2 từ 2020-2025, coi người dân là trung tâm, người dân sẽ tham gia quản lý, hình thành kinh tế số cơ bản. Giai đoạn 3 là đến 2030, Hà Nội sẽ là Thành phố thông minh phát triển cao.

Về nguồn vốn, theo Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú, việc thuê dịch vụ thông tin đang được Chính phủ khuyến khích và nhờ thuê dịch vụ Hà Nội đã giảm dự toán từ 6.000 tỷ xuống 3.000 tỷ đồng. Việc thuê dịch vụ sẽ giúp triển khai nhanh, rõ lợi ích, không phải đầu tư ban đầu nhiều.

“Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội đã có những cơ chế, chính sách cụ thể, lâu dài…Và Hà Nội sẽ đầu tư 80% nguồn vốn và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư” – Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú cho biết.

An Nhiên (tổng hợp)

Theo Đời sống
Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Tại một bãi đất quy hoạch thuộc địa bàn phường Phước Long A, TP Thủ Đức (TP HCM), vốn từ lâu được xem là “điểm đen” của rác thải tự phát, khi các bãi rác thải lớn ô nhiễm tồn tại “tra tấn” người dân sinh sống trong khu vực.
back to top