Con trẻ đi học trên đường làm sao để an toàn?

Năm học mới đã đi qua hơn 2 tháng, nhưng nỗi lo của phụ huynh về vấn đề an toàn giao thông của các em học sinh trên đường đi học vẫn luôn thường trực mỗi ngày.

Như chúng ta đều thấy, ngoài một số ít học sinh được cha mẹ, người thân đưa đón hàng ngày, cũng có không ít em phải tự đi học bằng các hình thức như: đi bộ (đối với nhà ở gần trường), đi xe buýt, đi xe đạp, xe đạp điện và thậm chí một số em còn được cha mẹ mua cho cả xe gắn máy để đến trường (chủ yếu là học sinh bậc THPT). Thực tế, nhiều gia đình không có thời gian đưa đón nên để con em mình tự đi học. Đây cũng là một phương cách hay để các em tự chủ động được giờ giấc tới trường, về nhà.

Ngoài ra, tự đi học, nhất là đối với các em học sinh đi bằng xe đạp, việc đạp xe mỗi ngày cũng là quá trình rèn luyện thân thể, cũng như làm quen với môi trường giao thông để các em “cứng cáp, vững vàng, kinh nghiệm…” hơn trong quá trình xử lý các tình huống trên đường.

Tuy nhiên, đường xá giao thông ở nước ta vốn luôn đông đúc, lộn xộn và nhiều người tham gia giao thông còn thiếu ý thức, tuỳ tiện phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ…, không chịu tuân thủ các quy định của pháp luật. Vì thế các bậc phụ huynh do không thể có thời gian đưa đón con em mình đi học hàng ngày, mà bất đắc dĩ phải để các em tự đi học cũng luôn lo lắng, không hề an tâm một chút nào. Sự lo lắng này là có cơ sở khi hầu như năm nào ở nước ta cũng luôn xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông có liên quan tới học sinh, mà một số vụ tai nạn lỗi cũng là chính các em gây ra…

Để các em học sinh đi học được an toàn, theo tôi, điều quan trọng nhất là các bậc phụ huynh, người thân phải căn dặn nhắc nhở con em mình mỗi hàng ngày trong việc tuân thủ chấp hành luật lệ giao thông. Với các em tới trường bằng hình thức bộ, đi xe buýt thì cha mẹ phải dặn con luôn đi trên vỉa hè, nếu đường không có vỉa hè thì phải đi sát lề đường.

Đối với các em đi học bằng xe đạp, xe đạp điện, xe gắn máy; ngoài trang bị thực hành bằng việc dạy con chạy xe thông thạo, vững vàng thì việc nhắc nhở, quán triệt con không được phóng nhanh vượt ẩu, không được chạy xe hàng 2 hàng 3 trên đường… là rất cần thiết. Nên dặn con chạy xe hàng 1, phải đi sát vào lề đường bên tay phải của mình. Đặc biệt là khi nhìn thấy các xe ô tô lớn, nhất là các xe tải, xe container thì phải chủ động tránh xa. Nhắc con trong lúc chạy xe không được đùa nghịch, không được “kẹp 2”, “kẹp 3”, không được phóng nhanh vượt ẩu, tuyệt đối chấp hành đèn tín hiệu giao thông...

Nói chung, việc căn dặn, nhắc nhở con đi học sao cho an toàn phải diễn ra hàng ngày chứ đừng lơ là, bởi chỉ cần đi ẩu là hiểm hoạ tai nạn có thể ập tới bất cứ lúc nào.

Ngoài việc căn dặn, nhắc nhở của phụ huynh, thiết nghĩ giáo viên tại các trường học cũng cần quán triệt để các em tham gia giao thông được an toàn. Vấn đề này nên được được lồng ghép kèm vào các tiết sinh hoạt lớp, hay buổi chào cờ đầu tuần của trường…, để các em học sinh luôn thấu hiểu, ghi nhớ và luôn “răn” mình phải giữ an toàn nhất có thể khi đi học trên đường.

Lê Thị Kết (Huyện Đông Anh, Hà Nội; Email: ketle*****@gmail.com)

Theo Đời sống
Nhận hối lộ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre hầu tòa

Nhận hối lộ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre hầu tòa

Ngoài nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và “Nhận hối lộ”, còn có nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng nhiều quan chức khác.
back to top