Liên quan đến thông tin TP Hà Nội hiện nay đang định hướng nghiên cứu quy hoạch 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ với phóng viên Khoa học và Đời sống về vấn đề này.
Theo GS Đặng Hùng Võ, cần xem xét thay đổi tiêu chí sao cho phù hợp.
Phải có mục tiêu, ý tưởng cụ thể
Ông đánh giá thế nào về ý tưởng nghiên cứu quy hoạch 3 huyện lên thành phố mới đây của Hà Nội?
Nói về việc quy hoạch, phát triển lên thành phố của 3 huyện của Thủ đô Hà Nội thì phải nhắc đến “thành phố trong thành phố” đầu tiên của Việt Nam hiện nay là TP Thủ Đức.
Việc TPHCM xây dựng TP Thủ Đức đã có kế hoạch trong thời gian dài, với ý tưởng xây dựng đây là thành phố về khoa học công nghệ sẽ chi viện cho TPHCM. Quan trọng họ đặt ra yêu cầu khi Thủ Đức hoạt động một thời gian sẽ đưa ra mô hình chính quyền đô thị phù hợp với mô hình “thành phố trong thành phố”.
Như vậy, tôi cho rằng trước hết cần phải xem xét xây dựng “thành phố trong thành phố” sẽ có tác động gì đến sự phát triển của thành phố mới hình thành và sự phát triển của thành phố lớn, ở đây là TP Hà Nội.
Không chỉ có vậy, muốn xây dựng “thành phố trong thành phố” phải chứng minh được nó sẽ tác động tích cực hơn so với việc nếu để là các khu vực hành chính như các huyện, các quận riêng lẻ.
Vậy cụ thể câu chuyện của Hà Nội như thế nào, thưa ông?
Tôi ủng hộ Hà Nội có “thành phố trong thành phố” nhưng phải ở khu vực nào sao cho phù hợp.
Hà Nội nên chọn phần nào, khu vực nào để làm “thành phố trong thành phố” và đặt ý tưởng để phục vụ mục tiêu gì, khu vực đó có những lợi thế gì về tài nguyên, hạ tầng, văn hóa, lịch sử… Câu chuyện này phải bàn bạc lựa chọn thật kỹ.
Theo đánh giá của tôi đây là khu vực sinh thái nên có thể ta đặt mục tiêu là thành phố sinh thái chăng? Mê Linh có thể được vì ở đó trồng rất nhiều hoa có thể tạo ra đô thị hoa mang tính chất sinh thái. Sóc Sơn là phần rừng rất tốt để phát triển sinh thái. Nhưng Đông Anh thì không phù hợp phát triển sinh thái cho lắm, khu vực này đang phát triển đô thị hóa công nghiệp cao, hạ tầng cũng phát triển.
Cần xem xét lại các tiêu chí
Theo ông, nếu muốn có “thành phố trong thành phố” thì các địa phương phải thực hiện theo các tiêu chí đã có đúng không?
Chúng ta cần phải xem xét lại các tiêu chí hiện nay có phù hợp hay không đã. Để xây dựng “thành phố trong thành phố” được thực chất hơn phải xác định được mục tiêu, ý tưởng thành lập thì Hà Nội phải được cái gì. Xây dựng theo hướng thành phố khoa học hay thành phố sinh thái. Nếu cứ áp theo tiêu chí cứng nhắc như hiện nay thì hỏng hết, nó không mang giá trị về nội dung mà chủ yếu là về hình thức.
Tôi cho rằng đầu tiên phải tạo ra được một bộ tiêu chí chính xác, khoa học.
Vậy chúng ta nên xây dựng những tiêu chí nào cơ bản để phù hợp nhất, thưa ông?
Chúng ta nên giở sách Pháp ra để tham khảo. Pháp họ nghiên cứu kỹ đến mức tại sao nhất định phải tách Hà Tĩnh ra khỏi Nghệ An. Về tính cách người Hà Tĩnh, người Nghệ An khác hẳn nhau rồi phong tục, tập quán; hay mặc dù Nghệ An là tỉnh lớn nhất Việt Nam hiện nay nhưng Hà Tĩnh thuộc vào tỉnh nhỏ chỉ bằng vài huyện của Nghệ An.
Như vậy, ngoài tiêu chí về mật độ dân cư, diện tích thì còn về văn hóa, lịch sử, tiếng nói, văn học nghệ thuật… tất cả phải có đặc trưng, cộng với định hướng phát triển.
Đông Anh tính chất khác với Mê Linh và Sóc Sơn. Sóc Sơn chủ yếu là rừng, có những cánh rừng cực đẹp. Tôi cho rằng phát triển nó nên là đô thị rừng. Mê Linh có thể biến thành đô thị hoa. Hai huyện này có thể kết hợp thành đô thị sinh thái. Tuy nhiên, Đông Anh thì khác hẳn, huyện này vẫn ấp ủ nguyện vọng trở thành một đô thị công nghiệp. Nhưng Đông Anh có thể kết hợp Gia Lâm vì đều đang trong quá trình đô thị hóa, hạ tầng phát triển khá tốt.
Người mua không còn ngây thơ với sốt đất
Dù mới là thông tin nghiên cứu định hướng nhưng đã có hiện tượng sốt đất ở 3 huyện nêu trên. Vậy cần có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
Tôi cho rằng từ đây gây sốt đất là đúng, câu chuyện này chẳng qua những người buôn đất họ đẩy lên thôi. Tuy nhiên, hiện nay người mua thì cũng tính toán kỹ mới đầu tư chứ không còn ngây thơ.
Nhưng việc sốt đất không có nghĩa rằng nhà nước mất hết giá trị tăng lên của đất. Các nước khác có đủ cách làm để toàn bộ giá trị tăng lên của đất thuộc về nhà nước.
Ví dụ, đầu tiên là phải định giá đất liên tục. Cách thức định giá chỉ cần chênh lệch khoảng 10 - 20% là được. Một số nước, họ tính ra độ chênh lệch đó và thu vào thông qua thuế đóng cho đất đai và thuế đóng cho giá trị đất đai tăng thêm. Hoặc một số nước chờ thời điểm chuyển nhượng thu hết phần chênh lệch. Hoặc một số nước tính vào thuế đất hằng năm.
Ngân hàng thế giới đã cung cấp một báo cáo thuế đất phù hợp với Việt Nam. Ta có thể học hoặc không học mà thôi.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
“Quy hoạch 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố là định hướng đúng phù hợp với yêu cầu đô thị hóa và đã được xác định rõ trong quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội, nhưng cách gọi là quận hay là “thành phố trong thành phố” thì phải có nghiên cứu các chỉ tiêu, tiến độ có đạt được hay không? Phân định ranh giới tách, nhập, hay gộp các huyện hay theo khu vực phải được nghiên cứu kỹ hơn chứ không thể nói là làm ngay được”.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội)
“Tôi lựa chọn thành phố mới bao gồm Hòa Lạc, Sơn Tây và Xuân Mai vì là chuỗi đô thị vệ tinh đã có. Trong đó, Sơn Tây là đô thị loại 3 phù hợp tiêu chí của Quốc hội. Hòa Lạc đã được quy hoạch 60.000 dân. Nếu theo phương án Hà Nội đề xuất thành phố mới phía Bắc có diện tích 600km2, 960.000 dân. Còn phương án thành phố phía Tây với 5 huyện, thị xã sẽ có 2,1 triệu dân, diện tích 1.179km2.
TS.KTS Ngô Trung Hải (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam)