Giảm stress và đau xương khớp mùa dịch

(khoahocdoisong.vn) - Do dịch bệnh Covid-19 không đi khám được khiến nhiều người bị bệnh xương khớp lo lắng. Lo lắng, stress lại càng khiến cho tình trạng đau nặng thêm

Giãn cách xã hội do dịch Covid-19 khiến nhiều người bị đau cột sống và xương khớp không đi khám được. Nhiều người mổ rồi nhưng đau lại, nhiều người chưa có chỉ định mổ do thoái hoá khớp, thoái hoá đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm đang điều trị nhưng vẫn đau. Đúng vậy, đau và STRESS mạn tính vốn dĩ là 2 mặt của 1 đồng xu.

Dịch dã khiến người bệnh thêm phần cô đơn và lo lắng, dẫn đến việc tăng những cảm giác rối loạn lo âu và stress. Từ một triệu chứng đau vô cùng nhỏ, stress khiến cơ thể gây ra những cơn co cơ, chèn ép thần kinh mạch máu, gây giảm tưới máu đến hệ cơ xương khớp, dẫn đến tăng việc lo lắng khi cho rằng đau là do tổn thương một điểm nào đó vô cùng nặng nề. Khi đó não sẽ tập trung vào triệu chứng đau quá nhiều, gây ra sự biến đổi của thần kinh trung ương khiến triệu chứng đau ngày càng tệ hơn khiến người bệnh hạn chế vận động, sợ tiếp xúc...

Những tổn thương này tiếp diễn và gây ra một sẹo đau ở trên thần kinh trung ương, cứ như vậy gây giảm ngưỡng chịu đau, trầm cảm; giảm nguồn lực của cơ thể, mất cân bằng và thường kết thúc bằng tình trạng bệnh không lối thoát. 

Thực tế, để giảm stress khiến đau không nặng lên, không có gì là khó cả.

Nếu bạn đã có chỉ định phẫu thuật, đừng ngần ngại điều trị thuốc (có thể dùng tầm 4 tuần) và chờ đợi. Nếu không chờ được (đau nhiều hơn, chèn ép thần kinh gây yếu liệt...), chỉ định can thiệp cấp cứu là cần thiết thì không nên suy nghĩ, hãy liên hệ với bệnh viện để được phẫu thuật.

Nếu thực sự bạn không có chỉ định can thiệp, hãy học cách sống tốt hơn với cơ thể:

Dừng ngay việc đọc những thông tin hay những câu chuyện tiêu cực, không đúng với việc của mình. 

Kết nối với những người bạn có thể tin tưởng, chia sẻ những câu chuyện không liên quan đến tình trạng bản thân hoặc chuyện "thế sự". Việc tham gia vào một cộng đồng cũng rất tốt. Hãy học những tư tưởng tích cực từ những thành viên tích cực.

Chăm sóc cơ thể: luyện tập thở sâu, thiền định (nếu ngồi đau thì có thể nằm). Uống đủ nước (trung bình: 2 - 3 lít/ngày tuỳ từng cơ thể). Có chế độ ăn khoa học, chú trọng các loại rau củ quả tươi, ở dạng sơ chế vừa. Và cũng có thể sử dụng tỏi sống, gừng, sả và uống nước nghệ hàng ngày để tăng sức đề kháng.

Luyện tập thể thao và điều chỉnh lại chế độ ngủ nghỉ cho đúng nhịp sinh học. Có rất nhiều bài tập, đừng nghe theo người nọ người kia bảo. Hãy tự trải nghiệm. Nếu không đau, thì hãy chỉ chọn ra 2 - 3 bài để tập luyện. 

Kiêng tuyệt đối rượu và thuốc lá. Nếu đến đợt được tiêm văcxin, hãy tiêm sớm nhất có thể.

ThS.BS Trần Trung Kiên (Khoa Phẫu thuật thần kinh – cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top