Giấm chữa mụn nhọt

(khoahocdoisong.vn) - Giấm được dùng nhiều để chế biến món ăn, được dùng làm gia vị, nước chấm để tạo vị chua. Với tính sát trùng nhẹ, nó còn được sử dụng trong việc tẩy rửa. Ngoài ra, giấm cũng được dùng nhiều trong y học như để giảm đau những vết bỏng hay vết rộp do tiếp xúc với nắng...

Phòng chữa tăng huyết áp: Lấy giấm ngâm tỏi, khi tỏi ngấu lấy ra ăn ngày 2 - 3 tép, nên ăn nhiều ngày.

Chữa chứng mụn nhọt, hạch kết sưng đau: Lấy lá xương sông giã vắt nước cốt hòa giấm uống, bã tẩm giấm đắp ngoài chữa mụn nhọt. Bài thuốc này cũng chữa được cả viêm tuyến mang tai, tuyến nước bọt, chứng huyết ứ đau tim, đau ngực sườn, phụ nữ có kinh đau bụng ra huyết bầm đen.

Chữa chứng phong trên mặt lở ngứa và bệnh chàm, vẩy nến: Lấy nước cốt lá ngải hòa giấm bôi ngày vài lần.

Chữa chứng tràng phong hạ huyết, đi cầu ra huyết lâu ngày: Giấm gạo nấu đậu đỏ cho chín nhừ sau đó phơi khô tán nhỏ uống ngày 3 thìa (30g) hoặc hơn. Bài thuốc cũng tốt cho những người huyết ứ đau tim, đau đầu, dạ dày, liên sườn, đau bụng kinh, chứng miệng lở loét chảy máu.

Chữa chứng miệng lưỡi sưng đau chảy máu: Đậu đỏ tán bột hòa giấm gạo ngâm uống ngày 3 lần/20g, kết hợp hòa giấm đậu đỏ bôi ngày vài lần. Bài thuốc tốt cả cho người viêm khớp hàm, viêm tuyến nước bọt do nhiệt độc.

Chữa mang tai sưng đau phát sốt: Dùng một củ xạ can tươi 40 - 50g sắc nước hòa giấm gạo mật ong uống, kết hợp hòa giấm đắp bôi ngoài.  

Chữa chứng phụ nữ có kinh đau bụng: Dùng giấm tẩm hương phụ, tán nhỏ uống 12g/lần, ngày 3 lần.

Lưu ý: Không dùng giấm cho người tỳ vị hư hàn, đang tiêu chảy, gân cơ teo nhão. Các chứng đau không phải huyết ứ không dùng.

Lương y Phan Thị Thạnh (Hội Đông y Vũng Tàu)

Theo Đời sống
back to top