Không chỉ có chợ tăng giá bán
Ngày 8/7, một ngày trước khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại một số chợ, điểm bán lẻ xung quanh chợ ở TPHCM như Xóm Chiếu (quận 4), Bùi Văn Ba, Tân Mỹ (quận 7), An Sương (quận 12)... lượng khách hàng đến mua sắm đông so với những ngày trước. Cụ thể, giá bí xanh thay vì 30.000đ/kg tăng lên 60.000đ, rau má ngày thường chỉ 50.000đ thì nay cũng tăng lên gấp đôi, nấm rơm tăng 3 lần lên 180.000đ/kg, bí đỏ có nơi bán 50.000đ/kg, rau muống 50.000đ/kg, riêng khổ qua tăng gấp ba lên 60.000đ/kg… giá thịt heo, cá tại chợ cũng tăng mạnh. Sườn non, ba rọi lên mức 250.000 - 270.000đ/kg thay vì 170.000đ/kg như trước, nạc vai 200.000 - 220.000đ/kg; cá lóc tăng gấp đôi ngày thường lên 120.000đ/kg; tôm 250.000đ/kg; cá nục 140.000đ/kg... Theo một số tiểu thương, do chợ đầu mối đóng cửa, hàng về khan hiếm, quá trình vận chuyển rau củ, thịt, cá trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Do đó, giá bị đẩy lên.
Đáng nói, trong lúc người dân gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh thì cửa hàng Bách hóa Xanh (BHX) tại một số địa phương lại bán hàng nhu yếu phẩm không đúng giá niêm yết khiến người dân bức xúc. Cụ thể, ngày 18/7, ông Nguyễn Hùng Em, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Sóc Trăng cho biết, đơn vị này đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi bán hàng không đúng giá niêm yết đối với một cửa hàng BHX trên địa bàn TP Sóc Trăng. Cùng ngày, một tổ kiểm tra thuộc Cục QLTT Đăk Lăk lập biên bản xử lý vi phạm hành chính cửa hàng BHX trên đường Ngô Quyền, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, về hành vi vi phạm về giá… Thực tế, không phải một vài khách hàng, những ai từng mua hàng ở BHX trong những ngày qua đều xác nhận giá cả ở chuỗi cửa hàng này tăng vô lý.
Trước vấn đề này, BHX đã có văn bản gửi tới khách hàng và cổ đông, giải thích lý do tăng giá. Phía công ty khẳng định không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do nhiều nguyên nhân: Thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng BHX tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao. Chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến; nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc. Chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng nghìn tài xế giao hàng, nhân viên kho và hàng trăm nhân viên đi làm ở 2 tỉnh lân cận. Ngoài ra, đơn vị này phải chi trả chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển giữa 2 tỉnh lân cận hoặc giảm thiểu nguy cơ nhân viên bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa...
Nhiều người dân đã cho rằng, việc tăng giá của hệ thống siêu thị Bách Hoá Xanh trong thời điểm này là bất hợp lý. |
Do nguồn hàng hay do lòng tham?
Một yếu tố khác được đơn vị này đưa ra là hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông... BHX đã thực hiện giải pháp bán hạn chế số lượng cho mỗi khách hàng đối với một số mặt hàng ở một số cửa hàng để chống lại hiện tượng mua gom hàng về bán giá gấp 2 - 3 lần của 1 số người.
Tuy nhiên, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TPHCM) đặt vấn đề, tại sao BHX tăng giá trong khi Tops Market (trước đó là Big C), Coopmart vẫn bình ổn. Ngoài ra, rau củ của nông dân ở các tỉnh vẫn rất dồi dào, lý do nguồn hàng tăng giá do nhập hàng nghe rất vô lý. Câu chuyện đặt ra theo luật sư Cường chính là đạo đức kinh doanh. Việc BHX đưa ra các lý do như giá nhập hàng cao, chi phí đi lại, xét nghiệm… để tăng giá và niêm yết không rõ ràng trong đại dịch là hành vi vi phạm pháp luật nằm trong giới hạn xử phạt vi phạm hành chính, chưa đến mức cấu thành tội phạm hình sự. Hành vi này cửa hàng có thể giải thích bằng nhiều lý do, nhưng trước hết người tiêu dùng đã phải trả giá cao hơn so với giá niêm yết, rõ ràng phần lợi nhuận đã tăng thêm cho cửa hàng.
Cùng quan điểm, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, ngoài hành vi bán giá cao hơn niêm yết, cần làm rõ liệu BHX có hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá hàng hóa hay không. Bởi theo đại diện của công ty này, do dịch bệnh nên gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển, mua hàng vào nên bên BHX tăng giá. Trong khi đó, nhiều siêu thị khác vẫn giữ giá. Từ đây cho thấy công ty này có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa... để tăng giá.
Nếu có hành vi này, theo luật sư Hùng, ngoài việc vi phạm phát luật, doanh nghiệp còn vi phạm đạo đức kinh doanh khi không thấu hiểu, thông cảm với khó khăn của người tiêu dùng trong dịch bệnh. BHX cũng như cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ sự thật để bảo đảm quyền lợi, tránh những thiệt hại đáng tiếc cho các bên.