Giá thực phẩm tăng gấp ba

Cơn bão người dân ùn ùn đi gom thực phẩm hôm qua đã tạo cơ hội cho giới buôn lợi dụng đẩy giá tăng vọt so với ngày thường.

Chị Hạnh, ở quận Gò Vấp cho biết, hôm qua do lo ngại không có người bán nên ra cửa hàng rau trên đường Phạm Văn Chiêu nhưng thấy giá rau củ quả tăng gấp đôi ngày thường.

"Giá bí xanh thay vì 30.000 đồng một kg tăng lên 60.000 đồng, rau má ngày thường chỉ 50.000 đồng thì nay cũng tăng lên gấp đôi, riêng nấm rơm tăng 3 lần lên 180.00 đồng một kg. Dẫu vậy, tôi vẫn phải bỏ ra cả triệu đồng để mua rau về trữ vì sợ thành phố giãn cách", chị Hạnh nói.

Chị Oanh (quận Thủ Đức) cho biết khá nhiều chợ đóng cửa hôm qua. Khi chị sang siêu thị thì thấy xếp hàng nối đuôi dài tận nhà xe. Do đó, chỉ có cách quay về và đặt hàng trên một nhóm mạng xã hội.

"Tôi vô nhóm Facebook cư dân quận 2 và quận 9 (nay là TP Thủ Đức) nhưng không khỏi bất ngờ khi giá thực phẩm nhảy lên gấp đôi so với ngày trước đó", chị Oanh kể. Trong đó, bí đỏ có nơi bán 50.000 đồng một kg, đậu que cùng mức giá. Bắp cải giá khoảng 45.000 đồng một kg. Mướp khía 48.000 đồng một kg. Riêng khổ qua tăng gấp ba lên 60.000 một kg.

Rau xanh được bán tại cửa hàng ở đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp). Ảnh: Thi Hà.

Rau xanh được bán tại cửa hàng ở đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp). Ảnh: Thi Hà.

Bực bội khi nhiều nơi "té nước theo mưa" để tăng giá nhưng chị Lê Phượng (Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức) cũng không thể ngồi im vì lo sợ thành phố đẩy mạnh giãn cách để chống dịch. "Tiểu thương bán giá bao nhiêu người mua hầu như đều chấp nhận mà không mặc cả. Riêng tôi phải tốn hơn 500.000 đồng cho phần rau củ nhưng chỉ mua được vài loại như cải ngọt, mồng tơi, bắp cải, bí đỏ. Chúng còn mắc hơn thịt", chị Phượng nói.

Không chỉ rau củ quả, thịt và hải sản cũng tăng giá đáng kể. Chị Phước Dung, một người thích ăn tôm ở Tam Bình, TP Thủ Đức, bất ngờ khi được chủ sạp quen báo 250.000 đồng một kg, ngày thường chỉ khoảng 160.000 đồng. Nhiều thành viên trong nhóm cư dân TP Thủ Đức cho biết gà sống cũng tăng lên 100.000 đồng một kg, ếch có nơi bán 260.000 đồng một kg.

Không chỉ trong ngày đầu khi chợ Thủ Đức đóng cửa, hôm nay (8/7), giá hàng hóa theo dự báo của các tiểu thương chợ truyền thống, sẽ còn tăng cao.

20h ngày 7/7, chị Lệ Phương, tiểu thương bán rau tại chợ Minh Phụng (quận 6) gọi điện đặt hàng các thương lái tại chợ đầu mối Thủ Đức nhưng hầu hết đều báo giá giá nông sản tăng gấp ba so với thông thường. Trong đó, cải thảo, cải bắp giá sỉ trước chỉ 10.000 đồng nay lên 30.000 đồng một kg, bí xanh 12.000 đồng lên 30.000 đồng, hành lá và gia vị tăng giá gấp đôi so với ngày hôm trước.

"Do nguồn hàng thiếu hụt nên các thương lái đang tự ý tăng giá. Mặc dù biết giá tăng nhưng vẫn phải đặt mua, thậm chí tôi phải đi nhận hàng ngay sau khi dứt cuộc điện thoại", chị Phương kể.

Theo chị chị Hiền, một tiểu thương chợ Thảo Điền (quận 2) cho biết, tăng cao nhất là các loại củ, quả và dự báo còn tăng mạnh do nguồn hàng ít. "Tôi vừa đặt mua 100 kg khoai tây và cà rốt nhưng các mối đều báo giá 30.000 đồng một kg. Trong khi đó, trước đây giá 30.000 đồng là giá tôi bán lẻ cho người dân", chị Hiền nói. Để giảm việc phải tăng giá đột biến, chị Hiền phải tìm cách nhập rau xanh tại nơi trồng.

Là đầu mối chuyên cung ứng nông sản tại chợ đầu mối Thủ Đức, chị Hạnh xác nhận giá hàng về TP HCM tối nay tăng cao do nguồn cung hạn chế, các xe nghe tin chợ đầu mối đóng cửa nên giảm lượng hàng. Ngoài ra, do chi phí phải thuê mặt bằng cao nên chị buộc phải tăng giá bán.

Hàng hóa tại kênh siêu thị được châm liên tục. Ảnh: Tấn Đạt.

Hàng hóa tại kênh siêu thị được châm liên tục. Ảnh: Tất Đạt.

Chia sẻ với VnExpress ngay trong đêm 7/7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho rằng, người dân không nên gom hàng và mua bất chấp khiến giá nhiều đầu mối buôn hàng đẩy lên quá cao. Hiện, TP HCM không hề thiếu nguồn hàng.

"Chúng tôi sẽ đưa hàng về thật nhiều nên mai không mua thì ngày sắp tới người dân sẽ thấy đầy ắp hàng mua. Hiện, các kênh phân phối đều đồng loạt tăng đầu xe và lượng hàng để đưa về TP HCM, người dân không nên quá lo lắng", ông Phương cho biết và nhấn mạnh, dù thực hiện cách ly theo chỉ thị 16, các hệ thống phân phối thực phẩm vẫn được mở bán.

Hiện TP HCM vẫn có hơn 110 chợ truyền thống hoạt động, kèm theo là 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini và 28.700 cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, tại các quận huyện cũng bổ trợ kênh bán hàng online, đi chợ giúp cho người lớn tuổi với sự hỗ trợ của hội phụ nữ, hội thanh niên...

Trong cuộc họp chiều 7/7, ông Phương cho biết, nguồn thực phẩm dự trữ của thành phố lên tới 120.000 tấn, tăng gấp ba thông thường nên đủ đáp ứng nhu cầu cho người dân.

Hiện Sở Công Thương TP HCM đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải tạo điều kiện để hàng hoá về với kho tổng. Sở cũng đang kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giải quyết, đảm bảo thời gian thích hợp cho tài xế về thời hạn của giấy xét nghiệm Covid-19.

Chiều cùng ngày, Bộ Công Thương vừa lập ban chỉ đạo cung ứng hàng hoá cho TP HCM và các tỉnh phía Nam, với nhiệm vụ chính điều phối cung ứng, đảm bảo hàng hoá cho khu vực này trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương lập ban chỉ đạo với nhiệm vụ này, nhằm kịp thời ứng phó trước diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phía Nam.

Theo vnexpress.net
back to top