Với ông Trần Đình Phi, già cũng vẫn phải hoạt động.
Đã thích là học cho bằng được
76 tuổi, nhưng ông Trần Đình Phi vẫn nhanh nhẹn, hồng hào và khỏe mạnh. Trước ông công tác trong quân đội, sau đó chuyển ngành về Tổng công ty du lịch Hà Nội. Sau khi về hưu, cũng như nhiều người khác ông đã nghĩ, nghỉ hưu là phải nghỉ ngơi, không làm gì, không tham gia hoạt động gì.
Được một thời gian thì ông bị ốm, người cứ suy sụp đi mà chẳng rõ bệnh gì. Chỉ thấy tim đập nhanh, huyết áp cao, trong đầu cứ ong ong, hết vào khám ở khoa tim, lại sang khoa thần kinh, nội tiết…mà không tìm ra bệnh. Lại uống rất nhiều thuốc Tây mà không đỡ. Rồi trong một lần nằm viện, ông được một bệnh nhân cho xem cuốn sách nói về các huyệt trong cơ thể người. Chỉ xem qua mà ông nhớ, về áp dụng thì có chuyển biến tốt. Sau đó điều trị theo Đông y thì đỡ hẳn.
Từ đó ông bắt đầu quan tâm đến các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc. Năm 2005-2006, tham gia CLB Y học dưỡng sinh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ông được hướng dẫn về phương pháp diện chẩn. Áp dụng chữa bệnh cho bản thân và những người xung quanh thấy có hiệu quả tốt, nên ông càng say sưa, tìm đọc nhiều tài liệu, tham gia các khóa đào tạo, trở thành trợ giảng cho các bác sĩ trong CLB.
Không dừng lại ở đó, ông Phi còn theo học khóa y học cổ truyền do hội Đông y Hà Nội tổ chức. Là người nhiều tuổi nhất trong lớp, ngày ngày bất kể trời mưa hay nắng ông vẫn lọc cọc đạp xe đến lớp và kết thúc khóa học còn được nhận bằng khen.
Không chỉ học hỏi và tự chữa bệnh, trong thời gian sang Canada sống cùng con gái, ông còn hướng dẫn cho nhiều người phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc. Rất nhiều người, có cả người nước ngoài cũng rất thích vì không dùng đến thuốc mà hiệu quả lại cao. Trong thời gian này, ông còn học thêm khí công y đạo của thầy Đỗ Đức Ngọc.
Một trong những đặc điểm của ông là đã thích là học cho bằng được, chuyên tâm để học và đã làm là rất say mê,.
Lười là sinh bệnh ngay
Từ bấy cho đến nay, ngày nào ông cũng tập khí công y đạo. Một năm tập cả 365 ngày, đến cả sáng mùng một Tết cũng vẫn tập. Hôm nào trời mưa, lạnh hay người mệt thì tập trong nhà. Ông còn hướng dẫn cho nhiều người tập tại Công viên Thống nhất.
Ông Phi chia sẻ, già cũng vẫn phải hoạt động, tùy theo sức của mình, không cố quá mà cũng không được lười. Lười là sinh bệnh ngay. Tuổi cao nhưng tuyệt đối không để cho cơ thể và đầu óc nghỉ ngơi. Nhiều người nghĩ, nghỉ hưu là nghỉ hẳn, cách nghĩ đó cực kỳ nguy hiểm.
Bài học này được ông rút ra từ chính bản thân mình và những điều tận mắt thấy trong cuộc sống. Ông có người bạn, khi còn công tác rất khỏe mạnh, khi về hưu là nghỉ luôn, sáng ăn xong là ra nằm võng, trưa ăn xong cũng ra võng nằm, tối cũng vậy. Được khoảng 2 năm thì ông ấy mất.
Con người là động vật, vì vậy phải vận động, phải hoạt động để cơ thể lưu thông khí huyết. Não cũng phải hoạt động bằng cách đọc sách, tìm hiểu các phương pháp tập luyện để sống vui không khỏe. Không gì quý bằng tự học để chữa cho mình và cho người thân.
Ngoài ra, người già cần giữ chế độ ăn uống đơn giản, tránh đồ chiên xào, dầu mỡ, tránh ăn uống theo kiểu khoái khẩu. Và đặc biệt trong nhà bao giờ cũng nên có máy đo huyết áp, tiểu đường để thường xuyên kiểm tra và có sự điều chỉnh trong ăn uống, sinh hoạt.
Từ khi nghỉ hưu đến nay cuộc đời ông Phi giống như sang một trang khác. Say mê học hỏi, say mê nghiên cứu, tập luyện để chữa bệnh cho mình và giúp đỡ những người xung quanh.
Ông bảo, nếu không có trận ốm năm ấy thì chưa chắc ông đã được như bây giờ. Khi mình ốm mới thấy cần thiết phải học một cái gì đó để phòng thân. Nhưng không phải ai ốm rồi cũng biết cách tự chữa bệnh. Nhiều người ốm thì vào viện, chữa xong thì thôi. Nhưng với ông đó cũng là một cơ duyên.
Bảo Anh