Ngay từ giai đoạn mới chớm khi sỏi nhỏ, người bệnh đã có thể nhận thấy một vài triệu chứng như khó tiêu sau khi ăn, đầy bụng, đau nhẹ ở vùng hạ sườn phải. Những dấu hiệu này thường không rõ ràng, đôi khi gây nhầm lẫn với bệnh dạ dày. Theo Đông y, sỏi bắt nguồn từ gan mật, thận, khi chức năng gan mật hay thận bị suy giảm, hoặc do chế độ ăn uống hằng ngày dư thừa cholesterol, canxi, nhiều độc tố… gan thận không đào thải hết độc tố từ đó gây nên sỏi. Để phòng trị bệnh, ngoài việc dùng thuốc, có thể sử dụng thực phẩm theo cách dưới đây:
- Mướp đắng nấu canh, hoặc xào ăn để phòng trị sỏi gan, viêm túi mật biểu hiện đau âm ỉ và ấn đau vùng hạ sườn phải.
- Đậu đen nấu chè, nấu cháo ăn phòng trị sỏi gan, người gầy nóng, ăn kém, có khi nóng sốt, tiểu tiện vàng ít.
- Hoa bí dùng hoa bí, ngọn bí nấu canh, xào, nấu lẩu ăn phòng trị sỏi gan, viêm gan mật do sỏi thể thấp nhiệt, hông sườn trướng đau, miệng đắng ăn kém, táo bón, tiểu vàng...
- Cải canh nấu canh, xào ăn phòng trị sỏi gan do uất nhiệt, bụng nóng rát, miệng đắng, hơi thở hôi, tâm phiền, dễ cáu giận.
- Củ cải nấu canh, xào, luộc, muối chua ăn phòng trị sỏi gan mạn tính, biểu hiện đau âm ỉ, bụng đầy, chậm tiêu, đại tiểu tiện không thông, người nóng.
- Bưởi ăn tươi, vỏ sắc nước uống chữa sỏi gan, sỏi mật, người mập ăn không ngon, vốn hay ăn nhậu.
- Quýt ngày ăn 1 - 2 quả, ăn thường xuyên giúp phòng trị sỏi gan thể hư nhược khí trệ, đau tức hông sườn, ăn kém chậm tiêu.
- Quả sung chín ăn sống, muối chua để trị sỏi gan, viêm túi mật, hay đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, thể thấp nhiệt.
- Râu ngô dùng râu ngô tươi hoặc khô nấu nước uống thường xuyên. Phòng trị sỏi gan, viêm túi mật, viêm gan, viêm tụy do sỏi thể thấp nhiệt.
Lương y Phan Thị Thạnh (Hội Đông y Vũng Tàu)