Gia vị nhiễm chì
Sở Y tế và Vệ sinh Tâm thần Thành phố New York (Hoa Kỳ) vừa phát thông báo quan trọng về mức độ chì trong các loại gia vị thường dùng hằng ngày. Theo tờ Natural News, từ năm 2008 đến năm 2017, Sở Y tế và Vệ sinh Tâm thần Thành phố New York (Hoa Kỳ) đã tiến hành các cuộc điều tra, khảo sát tại hàng loạt các cửa hàng địa phương. Đồng thời, thử nghiệm khoảng hơn 3.000 mẫu sản phẩm tiêu dùng về mức độ chì. Thống kê của cơ quan này cũng cho thấy, gần 40% các sản phẩm thử nghiệm là các loại gia vị như bột nghệ, ớt và hạt nhục đậu khấu. Các cơ quan chức năng tiết lộ thêm, loại gia vị bị ô nhiễm nhiều nhất là kviteli kvavili (hoa màu vàng) thu được từ nước cộng hòa Georgia. Một số loại gia vị bị ô nhiễm với tỷ lệ cao khác bao gồm bột nghệ, hạt tiêu, và ớt bột.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho biết, những lo lắng về loại gia vị nhiễm chì này ở Việt Nam là không có căn cứ vì đến nay chưa có cơ quan nào nghiên cứu và công bố. Việc người dân lo lắng là đúng nhưng hoàn toàn yên tâm sử dụng các loại gia vị mà không lo lắng về việc bị nhiễm chì như nhiều tờ báo thông tin. Tuy nhiên việc sử dụng gia vị cũng nên được tính toán, không nên quá lạm dụng, đặc biệt các loại gia vị tiện dụng chế biến sẵn.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ Bộ Y tế cho biết, gia vị có tác dụng làm cho món ăn có mùi vị riêng nên gia vị tự nhiên hay gia vị chế biến sẵn đều có thể dùng được. Nhưng gia vị chỉ là thành phần phụ trợ cho món ăn, không thể thay thế các nguyên liệu, không thể thay thế các chất đạm, tinh bột... có từ cá, thịt, đậu… nên đừng lạm dụng. Dù là sản phẩm ở dạng viên, lỏng hay bột thì cũng không nên dùng nhiều. Nếu các gia đình dùng thường xuyên, có thể gây suy dinh dưỡng. Việc sử dụng gia vị chỉ nên dừng lại ở tác dụng làm món ăn trở nên hấp dẫn hơn chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào gia vị khi nấu ăn.
Quy chuẩn của gia vị
Theo các chuyên gia, tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4891:2013 - ISO 927:2009 trình bày về gia vị - xác định hàm lượng tạp chất và tạp chất ngoại lai. Tiêu chuẩn này quy định phương pháp chung kiểm tra bằng mắt thường hoặc dùng kính có độ phóng đại không quá 10 lần để xác định tạp chất lớn có trong các loại gia vị. Tuy nhiên người tiêu dùng nếu chỉ dựa vào nhãn mác khó mà biết sản phẩm có đáp ứng tiêu chuẩn hay không, chưa kể đến những sản phẩm không nhãn mác.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, gia vị chế biến sẵn có đặc điểm là rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian cho người nội trợ. Tuy nhiên về nguồn gốc xuất xứ và thành phần của chúng thì cần phải bàn. Đa phần gia vị được tạo ra từ các chất hóa học, chất phụ gia thực phẩm theo một công thức nhất định. Hàm lượng các chất có lợi cho cơ thể chắc chắn không nhiều, chưa kể đến loại không có nguồn gốc xuất xứ có thể chứa chất độc hại. Nếu hàm lượng những chất này quá cao sẽ dẫn đến những nguy cơ không tốt cho sức khỏe người sử dụng. Có thể gây nhiễm độc cấp tính, nôn mửa, ngộ độc… Nguy hiểm hơn là chất độc sẽ tích tụ dần trong cơ thể và gây các bệnh mãn tính
Theo các chuyên gia, với các món ăn như nước dùng, cá kho, thịt kho, nấu lẩu, các gia vị như tỏi, nghệ, gừng… tốt nhất là chế biến theo cách truyền thống, dù có mất thời gian nhưng đảm bảo sức khỏe, tránh rước bệnh từ những gia vị trôi nổi được bày bán với giá siêu rẻ.
“Các loại gia vị trôi nổi có giá rất rẻ. Nhưng gia vị là loại thực phẩm được sử dụng với số lượng ít, các gia đình không nên vì tiết kiệm, ham rẻ mà mua các loại gia vị trôi nổi”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.