Cái rét buốt của tiết trời đông vào đầu năm khiến chuyến du hành bằng xe máy trên cung đường quanh co, lắt léo lên miền núi đá Hà Giang thêm phần gian nan, trắc trở.
Những khúc quanh ngoạn mục trên cung đường núi Hà Giang.
Tiết trời đỏng đảnh khi thì bừng sáng, khi thì mù mịt sương, tạo nên cảm giác thót tim khi lái xe qua những khúc quanh nơi đường đèo hiểm trở. Nằm bên cạnh những vực thẳm dựng đứng và núi cao chót vót là các địa danh hấp dẫn trên bản đồ du lịch như cổng trời Quản Bạ, núi đôi, cao nguyên đá Đồng Văn, tuyến đường đèo Mã Pì Lèng, Mèo Vạc…
Những cung bậc cảm xúc cứ liên tiếp đan xen, biến cung đường hiểm trở Quản Bạ – Đồng Văn – Mèo Vạc trở thành địa chỉ đỏ dành cho các tay lái tìm đến chinh phục, khám phá, trải nghiệm nhân độ xuân về.
Đường lên non cao
Để từ Hà Nội lên đến miền cao nguyên đá Đồng Văn, lộ trình ngốn gần 12 giờ đồng hồ. Trong các hành trình khám phá của vòng cung Đông – Tây Bắc, hành trình từ Hà Nội – Hà Giang lên Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn – Mèo Vạc – Lũng Cú… là một trong những tuyến đường đèo nguy hiểm nhất, nhưng, cũng ngoạn mục và nên thơ nhất bởi các danh thắng kỳ vĩ trải dọc hành trình.
Qua khỏi địa phận Tuyên Quang thì cũng đã mất hơn nửa ngày trên yên “chiến mã”. Khi ấy, tay bắt đầu rêm, lưng mỏi, kèm cái lạnh của mùa đông len lỏi qua từng kẽ hở ngấm vào da thịt, cũng là lúc hành trình du ngoạn đối mặt với thử thách khắc nghiệt hơn.
Độ cao lên dần, song chiều buông xuống kéo theo sương giăng nên khiến lộ trình du ngoạn chẳng có gì nên thơ, lãng mạn. Nếu cũng là cung đường đèo núi này nhưng vào mùa hoa Tam Giác Mạch (tháng 11 – 12 hằng năm), thì lại là chuyến đi lý tưởng với cuộc phiêu du qua Bát Đại Sơn, Na Khê, Phố Cáo, Ma Lé, Sủng Là…, rồi Pả Vi, Pải Lủng…
Suốt tuyến đường đèo chỉ có màu xám xịt của đá núi đồng hành. Thi thoảng, đất trời lại ưu đãi ban tặng cho khoảnh khắc bừng sáng với ánh nắng và mây bay nhè nhẹ, để có thể thấy dòng Nho Quế mảnh như sợi chỉ len trong núi đá tai mèo hay một tuyến đường đèo Mã Pì Lèng ngoạn mục, kiêu sa trong mây vờn đỉnh núi.
Từng xóm nhà của người H’Mông với lũy thành đá xếp, điểm xuyết những rặng hoa đào, hoa mơ đang đơm nụ chờ xuân. Những cảm giác khi tẻ nhạt, khi phấn khích, lúc hồi hộp đến lạnh cả sống lưng cứ chợt đến, chợt đi sau mỗi hành trình chinh phục từng cây số để lữ khách có thêm cơ hội lạc vào không gian hấp dẫn khác của khung trời miền cao.
Hấp dẫn chợ phiên
Hành trình lên non cao Hà Giang với những nếm trải đầy mệt nhọc sẽ được bù lại bằng vô vàn điều hấp dẫn khác. Đơn cử như những nét văn hóa bản địa được lưu giữ và bảo tồn trong dinh thự họ Vương – “ông vua” trong tâm thức của người H’Mông bản địa ở Xà Phìn. Đồng Văn giờ là điểm đến để khám phá những vàng son một thuở của họ Vương qua nét kiến trúc của ngôi nhà được bảo lưu trọn vẹn.
Theo mẹ ăn quà sáng ở chợ phiên Mèo Vạc.
Lên đến Hà Giang cũng là cơ hội chạm vào một miền đặc sản với rượu ngô thơm lựng, thịt lợn gác bếp, lạp xưởng tươi, dê núi, với cả những chén mì Soba kiểu Nhật làm từ bột Tam Giác Mạch… đủ khiến thực khách miền xuôi phải rung động.
Nơi hội tụ phong vị ẩm thực đa dạng của khắp vùng Hà Giang không đâu khác là chợ phiên. Trong đó, Mèo Vạc, Đồng Văn là hai điểm đến không thể bỏ qua nếu muốn tận hưởng những món ngon bản địa. Mỗi chợ phiên đều mang nét hấp dẫn riêng.
Mèo Vạc sẽ là chốn ăn sáng lý tưởng với hàng chục quán bún phở nghi ngút khói trong khu chợ nhà lồng. Mỗi quán có một kiểu chế biến riêng, nhưng điểm chung dễ cảm nhận là nguồn nguyên liệu tươi ngon, cách nấu giản đơn, nên dù heo, bò, gà, dê… đều giữ nguyên hương vị ngọt thơm nguyên bản.
Phiên chợ ở Đồng Văn có phần nhộn nhịp hơn, với các nguồn gia vị phong phú, đa dạng, từ lá mắc mật, hạt mắc khén tươi, mắc khén khô, quả chua, thảo quả, hạt Tam Giác Mạch… đến các loại tôm, cá của sông suối quanh vùng, cùng các loại cải mèo, rau rừng…, những chi tiết cơ bản để biến tấu thành các món ăn theo mùa độc đáo, hấp dẫn.
Món ngon mới nổi ở Đồng Văn là mì 7 món, với sợi mì làm từ bột Tam Giác Mạch, tạo thành bộ sưu tập độc đáo của món mì với các tên gọi hấp dẫn như mì hạt mắc khén tươi, mì thịt dê, mì tôm sông, mì gà… đủ khiến thực khách sành ăn phải tò mò nếm thử.
Chuyến lên miền cao Hà Giang đón xuân sớm chính là để được thử thách mình trên cung đường du ngoạn danh tiếng của Việt Nam, cũng là để chạm vào những nét bình dị, nguyên sơ của người bản địa, từ ẩm thực, văn hóa đến nhịp sống đời thường. Hành trình dẫu ngắn nhưng cũng đủ ghi lại thật nhiều cảm xúc và kỷ niệm đẹp nơi địa đầu tổ quốc.
Theo Thiên An (DNSG)