Dự phòng biến chứng u xơ tiền liệt tuyến

(khoahocdoisong.vn) - Khi bị u xơ tiền liệt tuyến, dù ở mức độ nhẹ chưa có chỉ định can thiệp phẫu thuật thì cần có chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý nhằm ngăn chặn các biến chứng như bí tiểu, nhiễm khuẩn niệu, suy thận...

Tăng cường vận động: Người bệnh cần có chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ hợp lý như không thức quá khuya. Không nằm hay ngồi quá lâu một chỗ gây cương tụ máu vùng chậu. Nên vận động, tránh ngồi hoặc đứng nhiều. Vận động làm tăng cường máu lưu thông ở vùng chậu, hạn chế sự phát triển của u xơ tiền liệt tuyến. Người ta nhận thấy rằng, nếu ngồi nhiều, đứng nhiều... có thể làm nặng thêm tình trạng rối loạn tiểu tiện ở người bệnh. Ngược lại khi đi lại, vận động nhiều sẽ cải thiện được tình trạng rối loạn tiểu tiện ở bệnh nhân, có tác dụng ngăn ngừa bí tiểu, tiểu khó.

Nên tập luyện thế dục thể thao vừa sức. Giảm bớt thời gian đi xe đạp, nên ngồi ghế mềm để giảm bớt lực đè lên tiền liệt tuyến và tránh ngồi quá lâu để cho tuần hoàn vùng hội âm lưu thông dễ dàng. Đối với người bệnh viêm tiền liệt tuyến, cần đi lại vận động nhiều. Môn thể thao tốt với bệnh là bơi, đi bộ và chạy chậm.

Không nên nhịn hay rặn tiểu, tránh táo bón: Táo bón làm cho người bệnh khi đi ngoài thường phải rặn, làm cho áp lực trong ổ bụng tăng đột ngột, tác động lên bàng quang vốn đã luôn trong tình trạng có ứ đọng nước tiểu, kích thích người bệnh lại muốn đi tiểu. Không nên nhịn đi tiểu, nếu mót tiểu cần đi ngay. Nhịn tiểu sẽ gây cho tình trạng căng bàng quang thường xuyên xảy ra, làm tăng nặng tình trạng biến dạng bàng quang. Thậm chí, khi bàng quang tăng do bí đái, huyết áp cũng có thể tăng vọt. Ngay sau khi được thông tiểu, huyết áp trở lại bình thường.

Không nên rặn khi đi tiểu vì có thể làm giảm áp lực trong bàng quang một cách đột ngột, gây phản xạ co thắt cơ ở cổ bàng quang và gây ra bí tiểu. Vì vậy, khi đi tiểu nên đi từ từ để áp suất trong bàng quang hạ thấp dần dần, tránh bị bí tiểu cấp.

Phát hiện sớm biến chứng: Cần chú ý phát hiện sớm các biến chứng của bệnh như sỏi bàng quang, nhiễm trùng tiết niệu, suy thận, giảm chức năng thận... Nam giới từ 45 tuổi trở lên nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa tiết niệu khám về bệnh u xơ tiền liệt tuyến (ít nhất 1 lần), nhất là khi thấy có một trong các triệu chứng rối loạn tiểu tiện. Hằng năm nên định kỳ đi khám, kiểm tra 2 lần để được tầm soát ung thư tiền liệt tuyến. Tự theo dõi đánh giá kết quả điều trị để thông báo cho thầy thuốc (có thể hiểu kết quả điều trị là tình trạng đi tiểu của người bệnh có được cải thiện không).

Tích cực xoa bóp: Thường xuyên nên tập xoa bóp, bấm huyệt, dán thuốc vào huyệt nhằm mục đích dự phòng và điều trị. Xoa bóp vùng tầng sinh môn cũng nhằm mục đích làm tăng cường máu lưu thông ở vùng chậu hông, có tác dụng ngăn ngừa bí tiểu, tiểu khó... Nên ngâm mông và chân vào nước nóng hằng ngày. Xoa bóp huyệt dũng tuyền.

Chế độ ăn uống: Nên uống nước vào buổi sáng và trưa, hạn chế uống sau bữa chiều để tránh đi tiểu đêm. Nên uống nhiều nước, tiểu nhiều có thể giúp chất dịch tiền liệt tuyến bài tiết dễ dàng. Cần ăn nhiều rau và trái cây, ăn cà chua mỗi ngày. Nên ăn các loại hải sản như cá, tôm, sò huyết... là những thực phẩm có nhiều kẽm, có ích cho thận khí. Thực tế cho thấy, ăn các loại hải sản như sò huyết, ngao, ngán... có tác dụng cải thiện các triệu chứng rối loạn tiểu tiện ở người bị u xơ tiền liệt tuyến.

Nên kiêng các thức ăn có chất kích thích và nóng như ớt, hạt tiêu, gừng, cà phê... Hạn chế uống bia, rượu và hạn chế ăn các thực phẩm như đậu nành như tương, sữa đậu nành, đậu phụ...

TTUT.BS Quách Tuấn Vinh (nguyên Chủ nhiệm Quân y Tổng cục chính trị)

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top