Đối tượng dễ mắc thuyên tắc ối

Thuyên tắc mạch ối là một biến chứng vô cùng nguy hiểm trong sản khoa, tỷ lệ cứu sống rất thấp mà lại không hề có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào. Vậy phát hiện và phòng ngừa ra sao?

Nguyên nhân gây thuyên tắc ối

Theo TTND.PGS.TS.BSCKII Lưu Thị Hồng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thuyên tắc ối là một trong những tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong lên đến 90% các trường hợp mắc bệnh.

Thuyên tắc ối (còn gọi là tắc mạch ối) là tình trạng nước ối, tế bào thai nhi, tóc, lông tơ hoặc các mảnh vụn khác xâm nhập vào máu của thai phụ, thông qua hệ thống tĩnh mạch nơi nhau thai bám gây ra một số phản ứng giống dị ứng. Phản ứng này làm suy tim phổi cấp và xuất huyết nghiêm trọng.

PGS.TS Hồng phân tích, ở trạng thái bình thường, nước ối sẽ hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào hệ tuần hoàn của thai phụ. Khi hàng rào giữa khoang ối và tuần hoàn của thai phụ bị phá vỡ, nước ối sẽ đi vào máu của thai phụ thông qua các tĩnh mạch ống cổ tử cung, qua vị trí rau bám đã bong, qua nội mạc tử cung hoặc tử cung bị chấn thương dẫn đến tắc mạch ối. Tuy nhiên, không phải trường hợp nước ối đi vào tuần hoàn của thai phụ nào cũng gây tắc nghẽn.

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng cho biết, tất cả các độ tuổi đều có thể mắc chứng mạch ối bị tắc nghẽn xảy ra trước, trong hoặc ngay sau khi sinh. Y khoa ghi nhận các trường hợp tắc mạch ối ở thai phụ có chung đặc điểm như thai nhi lớn, thai quá ngày, thai phụ lo lắng, hốt hoảng, khó thở và nôn mửa. Thêm vào đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:

- Thai phụ tuổi cao: Những thai phụ trên 35 tuổi;

- Thai phụ mang đa thai hoặc sinh con nhiều lần;

- Nhau thai bất thường: Khi mang thai nếu cấu trúc trong tử cung phát triển bất thường;

- Thai phụ mắc chứng tiền sản giật: Những thai phụ mắc chứng tiền sản giật, huyết áp tăng cao và protein niệu sau tuần 20 của thai kỳ;

- Mổ lấy thai, hoặc đẻ đường dưới có sự can thiệp của thủ thuật Forceps, giác kéo, chọc hút nước ối: Việc dùng kẹp hoặc các thủ thuật giác hút lấy thai có thể phá vỡ hàng rào vật lý giữa thai phụ và thai nhi.

- Thai phụ mắc bệnh tắc mạch ối có điểm chung như thai nhi lớn, thai quá ngày,...

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng cho biết: “Thai phụ được chẩn đoán mắc chứng thuyên tắc mạch ối có triệu chứng khởi đầu là suy hô hấp, sau đó tím tái đột ngột trong vòng vài phút, kèm theo tình trạng tụt huyết áp, phù phổi, lú lẫn và co giật. Khi đó các bác sĩ sẽ ấn tim, xoa bóp tim ngoài lồng ngực giúp tim đẩy máu nhanh hơn, cung cấp oxy nuôi các cơ quan quan trọng như não, tim, thận, phổi, gan,…

Bên cạnh đó, thai phụ được bổ sung thuốc duy trì và nâng đỡ tình trạng tim mạch, truyền máu cùng nhiều biện pháp khác nhằm nhanh chóng đưa thai nhi ra khỏi cơ thể mẹ.”

Khoảng 40% thai phụ khi vượt qua các triệu chứng ban đầu thì lại bắt đầu có dấu hiệu chảy máu ở nhiều nơi, đờ tử cung và đông máu rải rác trong lòng mạch. Thậm chí, có những thai phụ có biểu hiện tim ngừng đập, ngừng thở trong vài phút đầu tiên và tử vong trong vòng 2 – 3 giờ sau đó.

Thăm khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để có thai kỳ khỏe mạnh, sinh nở an toàn

Thăm khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để có thai kỳ khỏe mạnh, sinh nở an toàn

Biến chứng tắc mạch ối nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời

Theo PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, “Bệnh thuyên tắc ối là một trong những tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm do nước ối chảy vào tĩnh mạch, vào tim, phổi rồi lên não gây suy hô hấp cấp. Thai phụ sẽ chuyển tím tái đột ngột, trụy tim mạch, rối loạn đông máu,… Đặc biệt, tình trạng sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn ở những thai phụ mắc bệnh đái tháo đường.”

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng chia sẻ thêm, khi thai phụ mắc chứng tắc mạch ối không được nhận định đúng thời điểm, hoặc việc cấp cứu không thực hiện nhanh chóng, kịp thời có thể dẫn đến những hệ quả đáng tiếc, như:

Tim phổi ngừng hoạt động, kèm theo đó là rối loạn đông máu hoặc mất máu ồ ạt dẫn đến thai phụ bị thiếu oxy toàn thân, đặc biệt nguy hiểm khi thiếu oxy lên não.

Sốc giảm thể tích tuần hoàn, suy gan, suy thận,… do rối loạn đông máu, mất máu quá nhiều mà không được bù máu kịp thời. Thai phụ sẽ phải lọc thận, lọc máu và chạy tuần hoàn ngoài cơ thể.

Trụy tim mạch, dẫn đến tình trạng phù phổi cấp do truyền bù máu và dịch với khối lượng lớn để duy trì thể tích tuần hoàn, bảo vệ các cơ quan trong cơ thể.

Tỷ lệ tử vong cao ở cả mẹ và con.

Tình trạng thuyên tắc ối sẽ nguy hiểm hơn nếu thai phụ mắc bệnh đái tháo đường

Tình trạng thuyên tắc ối sẽ nguy hiểm hơn nếu thai phụ mắc bệnh đái tháo đường

Phương pháp điều trị thuyên tắc ối khi sinh

Mặc dù thuyên tắc ối khi sinh là tai biến sản khoa nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nhưng nếu được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời, cả thai phụ và thai nhi có thể vượt qua “cửa tử”. Các phương pháp điều trị bệnh khẩn cấp gồm:

Đặt catheter: Đặt ống catheter vào một trong các động mạch để theo dõi huyết áp thai phụ. Đồng thời, đặt ống vào tĩnh mạch ở ngực, cung cấp dịch truyền, máu hoặc thuốc cần thiết cho thai phụ.

Cung cấp oxy: Đặt ống thở vào khí quản, cung cấp oxy giúp thai phụ thở dễ dàng hơn.

Truyền máu: Nếu thai phụ mất nhiều máu, thai phụ cần được truyền máu và dịch thay thế.

Sử dụng thuốc: Thai phụ có thể được chỉ định dùng các loại thuốc để cải thiện và hỗ trợ chức năng tim.

Các nghiên cứu cho thấy hiện vẫn chưa có phương pháp dự phòng tai biến sản khoa nguy hiểm này. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ siêu âm và quá trình thăm khám thai định kỳ có thể phát hiện, cảnh báo và xử lý sớm các dấu hiệu bất thường, ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Theo Đời sống
back to top