Cứu thành công sản phụ ngừng tim sau “bắt con” do thuyên tắc mạch ối

Tắc nghẽn mạch ối là tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, nguy cơ tử vong lên đến 90% ở mẹ và khoảng 20 – 60% ở trẻ.

Đang bình thường thì ngừng tim, co giật, mất ý thức

Sản phụ Nguyễn Thị L 35 tuổi nhập viện sinh con lần 4 thai IVF 36 tuần 4 ngày với tiền sử 3 lần đẻ mổ. Dự báo đây là 1 ca nhiều nguy cơ tiềm ẩn nên các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa Gây mê hồi sức tự nguyện đã tập trung chuẩn bị sẵn sàng.

Trước khi mổ lấy thai, sản phụ có sức khoẻ và các dấu hiệu sinh tồn hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi Ths. BSCKII Trần Ngọc Đính - Trưởng khoa D5 vừa mổ đón bé trai chào đời thì sản phụ đột ngột ngừng tim, co giật, mất ý thức.

Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức tự nguyện dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Nguyễn Đức Lam cùng với sự trợ giúp của TS. BS Trần Văn Cường và Ths. BSCKII Lương Thị Ngọc Vân – Khoa Gây mê Hồi sức của bệnh viện đã tập trung ép tim, cấp cứu đặt nội khí quản, làm ngay huyết áp động mạch xâm lấn, đặt huyết áp tĩnh mạch trung tâm bằng catheter 3 nòng; hội chẩn Ban Giám đốc, để xử trí sản khoa.

Đồng thời cũng lấy máu xét nghiệm, lấy máu tĩnh mạch trung tâm để tìm tế bào ối, làm xét nghiệm đông máu cho kết quả bệnh nhân rối loạn đông máu rất nặng dù bệnh nhân không mất máu nhiều. TS. BSCKII Mai Trọng Hưng – Giám đốc bệnh viện ngay tức khắc có mặt tại phòng mổ để trực tiếp chỉ đạo.

Sau khi cấp cứu ép tim 5 phút, tim sản phụ đã đập lại. Bệnh viện mời hội chẩn GS.TS Nguyễn Quốc Kính – Phó chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam - Nguyên giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. GS.TS Kính trực tiếp đến bệnh viện chỉ đạo khám và hội chẩn bệnh nhân, giáo sư đề nghị siêu âm tim ngay trên bàn mổ đưa ra chỉ định điều trị và nghĩ tới hướng bệnh nhân bị thuyên tắc mạch ối.

Bệnh nhân sau khi cắt tử cung bán phần để cầm máu cộng với sự nỗ lực hồi sức tích cực cho bệnh nhân từ các bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện, có những lúc phải dùng đến các loại thuốc vận mạch liều cao và truyền 6,4 lít máu, các chế phẩm máu thì dần dần các thông số của bệnh nhân trở lại ổn định.

Ca phẫu thuật cứu bệnh nhân thuyên tắc ối - Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật cứu bệnh nhân thuyên tắc ối - Ảnh BVCC

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Lam, Trưởng khoa Gây mê hồi sức tự nguyện: Sau khi được hồi sức tim phổi thành công, huyết áp của sản phụ vẫn còn rất thấp, phải duy trì thuốc vận mạch liều cao và băng huyết sau sinh do rối loạn đông máu.

Sau 3 tiếng dốc hết sức để cấp cứu người bệnh tạm thời ổn định. Hai tiếng sau khi phẫu thuật kết thúc, mạch, huyết áp của bệnh nhân ổn định, gọi bệnh nhân mở mắt, bệnh viện đã liên hệ chuyển bệnh nhân đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai.

Một ngày sau bệnh nhân đã được rút nội khí quản và tỉnh táo hoàn toàn, mạch huyết áp ổn định. Sau 2 ngày bệnh nhân đã được chuyển sang viện tim mạch để kiểm tra thêm về tim mạch.

Mười ngày liên tiếp các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản đã cấp cứu thành công, cứu sống 02 sản phụ thuyên tắc mạch ối.

Trong sản khoa ghi nhận nhiều trường hợp thai kỳ khỏe mạnh nhưng lại gặp bất thường khi sinh. Vì vậy, mẹ bầu cần theo dõi sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ sản khoa để quá trình vượt cạn được diễn ra thuận lợi và an toàn nhất.

90% mắc bệnh tử vong

Theo TTND.TS.BSCKII Lưu Thị Hồng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thuyên tắc ối là một trong những tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong lên đến 90% các trường hợp mắc bệnh.

Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, hiện chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu. Vậy thai phụ cần làm gì để sớm phát hiện các bất thường, phòng tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra?

Kết quả cuộc điều tra tử vong mẹ và trẻ sơ sinh Việt Nam được tiến hành ở tất cả phụ nữ từ 15-55 tuổi, tất cả các xã của 30 quận/huyện thuộc 10 tỉnh/thành, tỷ lệ miền núi/nông thôn đồng bằng/thành thị của Bộ Y tế cho thấy, 71,5% các trường hợp mẹ tử vong là do các tai biến sản khoa, trong đó tỷ lệ tử vong do tắc mạch ối lên đến 34,7%.

“Thuyên tắc mạch ối là một biến chứng vô cùng nguy hiểm trong sản khoa. Biến chứng này xảy ra đột ngột, diễn tiến cực kỳ nhanh, tỷ lệ cứu sống rất thấp mà lại không hề có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào”, PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng cho biết.

PGS.TS Hồng phân tích, thuyên tắc ối (còn gọi là tắc mạch ối) là tình trạng nước ối, tế bào thai nhi, tóc, lông tơ hoặc các mảnh vụn khác xâm nhập vào máu của thai phụ, thông qua hệ thống tĩnh mạch nơi nhau thai bám gây ra một số phản ứng giống dị ứng. Phản ứng này làm suy tim phổi cấp và xuất huyết nghiêm trọng.

Bệnh thường xảy ra trong lúc chuyển dạ, cũng có thể xảy ra khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, chọc nước ối, sau sinh hoặc sau mổ lấy thai. Thời điểm mạch ối bị tắc nghẽn xảy ra khác nhau tùy trường hợp, thống kê cho thấy:

- 12% trường hợp xảy ra khi màng ối còn nguyên;

- 70% trường hợp xảy ra trong chuyển dạ;

- 11% trường hợp xảy ra sau sinh qua đường âm đạo;

- 19% trường hợp xảy ra khi mổ lấy thai đã chuyển dạ hoặc chưa chuyển dạ.

Thống kê số liệu các trường hợp mắc bệnh cho thấy, mặc dù bệnh lý tắc nghẽn mạch ối là tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, nguy cơ tử vong lên đến 90% ở mẹ và khoảng 20 – 60% ở trẻ.

Những trường hợp nếu được chẩn đoán và xử trí kịp thời vẫn có thể cứu sống cả mẹ và thai nhi, do đó việc cập nhật chẩn đoán và đưa ra hướng xử trí đúng đắn, nhanh chóng là điều vô cùng cần thiết cho các trường hợp tai biến sản khoa.

Trong sản khoa ghi nhận nhiều trường hợp thai kỳ khỏe mạnh nhưng lại gặp bất thường khi sinh không biết trước. Vì vậy, mẹ bầu cần theo dõi sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ sản khoa để quá trình vượt cạn được diễn ra thuận lợi và an toàn nhất.

Theo Đời sống
Cách tránh suy thận cấp do nắng nóng

Cách tránh suy thận cấp do nắng nóng

Giai đoạn nắng nóng cao điểm tiềm ẩn nguy cơ gia tăng suy thận cấp do mất nước. Vì vậy, nắng nóng người dân cần đảm bảo bổ sung đủ nước và điện giải để tránh các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là suy thận cấp.
back to top