Thanh niên 21 tuổi chít hẹp hoàn toàn ống tai ngoài sau chấn thương

Sau khi nội soi tai mũi họng, các bác sĩ phát hiện ống tai ngoài bên trái của bệnh nhân bị chít hẹp hoàn toàn, chỉ còn một lỗ nhỏ kích thước lọt đầu tăm và đang viêm chảy mủ.

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện mới tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam L.T.H (21 tuổi, Hà Nội) bị chít hẹp toàn bộ ống tai ngoài bên trái.

Kíp bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Kíp bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Bệnh nhân có tiền sử bị tai nạn giao thông, chấn thương hàm mặt 3 tháng trước và đã được phẫu thuật kết xương hàm mặt. Gần đây, bệnh nhân cảm thấy tai trái nghe kém tăng dần, thỉnh thoảng xuất hiện đau tai, chảy dịch ướt từ tai trái nên quyết định đi khám bệnh.

Sau khi nội soi tai mũi họng, các bác sĩ phát hiện ống tai ngoài bên trái của bệnh nhân bị chít hẹp hoàn toàn, chỉ còn một lỗ nhỏ kích thước lọt đầu tăm và đang viêm chảy mủ. Bệnh nhân có nghe kém dẫn truyền mức độ trung bình trên thính lực đồ. Chụp CT scan cho thấy hình ảnh tổ chức xơ chiếm 2/3 thể tích ống tai ngoài lan từ ổ vỡ cũ khớp thái dương hàm cùng bên (từ thành trước ống tai xương).

Bệnh nhân sau đó đã được phẫu thuật lấy bỏ tổ chức xơ, khoan mở rộng xương và đặt mảnh da rời với kích thước phù hợp để phục hồi phần khuyết thiếu da ống tai bên trái dưới kính hiển vi.

Sau phẫu thuật, cùng với sự chăm sóc tỉ mỉ của các bác sĩ, ống tai của bệnh nhân khô, mảnh da vá hồng tốt, ống tai rộng quan sát rõ màng tai, sức nghe trở về bình thường.

Bs Hồ Chí Thanh, Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, đối với các trường hợp chấn thương vùng hàm mặt có chảy máu tai, sau khi qua giai đoạn nguy hiểm tính mạng, người bệnh cần được chuyển tới khám tai mũi họng sớm nhất có thể. Bản thân người bệnh, sau chấn thương, khi phát hiện các vấn đề như chảy máu tai, chảy mủ tai, giảm thính lực, đau tai thì nên đi khám bác sỹ chuyên khoa ngay để được can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả nặng nề lâu dài.

Theo y văn thế giới, trong số các nguyên nhân gây chít hẹp ống tai ngoài, nguyên nhân do chấn thương chiếm tỉ lệ khoảng 11%. Ở nước ta chưa có con số thống kê chính thức, tuy nhiên với số lượng nhiều ca chấn thương do tai nạn giao thông, đặc biệt là số lượng lớn các ca chấn thương vùng hàm mặt, tỉ lệ này có thể còn cao hơn rất nhiều.

Đáng chú ý, các chít hẹp ống tai thường bị bỏ sót trong những giai đoạn mới chấn thương do việc ưu tiên tính mạng và các chức năng sống còn của cơ thể. Bệnh sau đó tiến triển âm thầm, tăng dần gây hẹp hoàn toàn ống tai, gây viêm nhiễm tái diễn, thậm chí dẫn tới di chứng tạo cholesteatoma ống tai ngoài, ăn mòn toàn bộ các cấu trúc quan trọng của tai, biến chứng liệt mặt hoặc biến chứng sọ não.

Chẩn đoán càng muộn, việc phẫu thuật điều trị càng khó khăn, tốn kém và rất dễ bị tái phát hẹp ống tai.

Theo Đời sống
back to top