Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng 3/1 Bộ GD&ĐT đã tổ chức đối thoại với đại diện chương trình Công nghệ Giáo dục là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và PGS.TS Nguyễn Kế Hào. Về phía Bộ GD&ĐT, chủ trì cuộc đối thoại là Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.
Mở đầu cuộc đối thoại, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ GD tiểu học, Bộ GD&ĐT đã thông tin lại vắn tắt quá trình thẩm định sách giáo khoa mà Bộ GD&ĐT đã tổ chức thực hiện.
Hiện có 32 SGK đã được phê duyệt, và 11 SGK hội đồng đánh giá không đạt.
PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho biết, phản hồi của cán bộ quản lý, giáo viên ở các địa phương về Tiếng Việt Công nghệ giáo dục rất tốt. Trẻ em học Tiếng Việt Công nghệ giáo dục nhanh, chắc, không tái mù, không nói ngọng.
Theo ông Hào, việc chỉ đạo thẩm định SGK của Bộ GD&ĐT là chưa linh hoạt, mềm dẻo. Bộ GD&ĐT cần đi các địa phương để xem việc dạy Tiếng Việt Công nghệ giáo dục như thế nào. Và cần thực hiện lời dạy của Bác Hồ là điều gì tốt cho dân thì cố gắng làm.
Viện dẫn ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm: "Sách của GS Đại cần một cách thẩm định khác", ông Hào cho rằng, Bộ GD&ĐT nên coi việc thẩm định sách giáo khoa chỉ là một bước, tiếp theo cần đưa các sách giáo khoa đã qua thẩm định dạy thử nghiệm một một thời gian. Sau đó mời các chuyên gia độc lập tham gia đánh giá.
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại nói, ông đến cuộc đối thoại này chỉ muốn được xác nhận bộ sách Công nghệ giáo dục được sử dụng cho năm học mới.
Ông đã nghiên cứu, thực nghiệm 40 năm và dạy Công nghệ giáo dục tại Nga. Tiểu học là bậc học vô cùng quan trọng. Từ những nghiên cứu, thực nghiệm của mình, ông chịu trách nhiệm với những gì ông viết ra và không thể sửa chữa.
Nói về kiến nghị sách Công nghệ giáo dục, PGS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn toán bày tỏ quan điểm, một chương trình mới thì bao giờ cũng sẽ có những sách giáo khoa mới phù hợp với chương trình.
Có những cuốn sách giáo khoa rất hay nhưng vẫn phải ngừng. Không thể lấy việc có nhiều học sinh đang học thì phải được tiếp tục.
Ông Trần Kiều cho rằng GS Đại chỉ nên viết sách tham khảo. Sách giáo khoa của GS Đại phải viết lại, vì có tới 160 lỗi.
Trước ý kiến đó, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại nói, cách ông Trần Kiều phát biểu là tư duy kinh nghiệm của môt người dạy thêm lão luyện nên không phù hợp. Ở đây là là sự khác biệt về tư duy, tư duy kinh nghiệm và trải nghiệm.
Đáp lại, PGS Trần Kiều cho biết ông nể GS Đại vì ông là nhà tâm lý học, không phải nhà toán học "nhưng lại viết sách giáo khoa toán”.
Cuộc đối thoại đã trở nên căng thẳng khi các ý kiến "va đập", công kích lẫn nhau giữa các giáo sư.
Kết luận buổi đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết. Bộ đã làm theo Nghị quyết của Quốc hội. Vì thế trong quy định thẩm định SGK, hồ sơ SGK gửi lên thẩm định đã phải có thực nghiệm rồi. Việc thẩm định nhằm mục đích công bố cho xã hội những cuốn sách phù hợp để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì thế nếu cho rằng thẩm định chỉ là bước 1 và tiếp tục thực nghiệm thì chưa thật đúng.
Việc cho sách Công nghệ giáo dục một cách thẩm định khác như ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm khó thực hiện vì cần phải công bằng giữa các bộ SGK. Một trong những mục tiêu khi thực hiện chương trình giáo dục mới là khuyến khích có nhiều bộ SGK đa dạng sử dụng trong các nhà trường. Theo ông Độ, GS Hồ Ngọc Đại nên nghiên cứu phương án điều chỉnh SGK để đảm bảo yêu cầu.