Độc tố trong hạt cây ngô đồng độc hại thế nào?

Mới đây, trong giờ ra chơi, nhóm học sinh lớp 4-5 Trường Tiểu học Kỳ Tân (xã Kỳ Tân, Tân Kỳ, Nghệ An) đã nhặt hạt cây ngô đồng ở khuôn viên trường chơi và nói đùa với các em lớp 1 là hạt dẻ, có thể ăn được.

Hạt cây ngô đồng.

Bảy học sinh lớp 1 tưởng thật, ăn hạt quả ngô đồng. Chừng một giờ sau, cả bảy em buồn nôn, đau bụng, được chuyển tới Trung tâm y tế huyện Tân Kỳ. Bác sĩ xác định học sinh bị ngộ độc do độc tố từ hạt cây. Ngay lập tức các em đã được truyền dịch và giải độc…

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các em học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải nhập viện cấp cứu do ăn hạt cây ngô đồng. Ngày 22/4/2017 có gần 40 học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Quỳ Châu, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) do ăn quả ngô đồng và bị ngộ độc phải đi cấp cứu.

Năm 2017, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã có văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn toàn tỉnh rà soát, chặt bỏ cây ngô đồng; tích cực tuyên truyền cho các em học sinh về sự nguy hiểm của hạt cây ngô đồng.

Ở Việt Nam, cây ngô đồng còn được gọi là vạn linh, sen núi, dầu lai có củ. Vì cây có hoa lá đẹp, xanh tốt quanh năm và hoa rất bền nên được trồng làm kiểng nhiều nơi ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia y tế, độc tố chính có trong cây ngô đồng là chất curcin gây bệnh ở đường tiêu hóa, gan. Nếu trẻ con ăn phải hạt cây ngô đồng sẽ bị bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy. Nếu bị nặng có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa, rối loạn thần kinh.

BS Bạch Văn Cam – Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cảnh báo, hầu hết độc chất trong hoa cây ngô đồng đều không có thuốc đặc trị, thuốc giải mà chỉ có thể điều trị theo triệu chứng. Trường hợp bị ngộ độc cây ngô đồng, nên tiến hành xét nghiệm máu, chức năng gan, đường huyết,…

Còn BS Trần Văn Năm – nguyên Viện phó Viện Y dược học dân tộc tại TPHCM khuyến cáo, nếu nghi ngờ hoặc biết chắc chắn bệnh nhân bị ngộ độc hạt cây ngô đồng, ngay lập tức phải dùng mọi biện pháp để người bị ngộ độc nôn ra, nôn được càng nhiều càng tốt. Trong khi nôn, cần để người bệnh nằm nghiêng đầu về một bên và dùng khăn để lau sạch đờm nhớt, chất dịch. Sau đó, cho người bệnh uống một ly nước ấm (có thể pha thêm chút muối) rồi tiếp tục để bệnh nhân nôn.

Sau khi sơ cứu tạm thời, phải nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời, gia đình bệnh nhân nên đem theo mẫu cây để bác sĩ có thể xác định đó có đúng là cây ngô đồng hay không.

Theo Mai Hương (Đại đoàn kết)

Theo Đời sống
back to top