Có những hội đồng thẩm định ngồi cho đủ ban bệ

Theo TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án, công trình hiện nay đang bộc lộ nhiều lỗ hổng, yếu kém. Có những hội đồng thẩm định ngồi cho đủ ban bệ, chứ không có vai trò gì nhiều trong đánh giá, thẩm định.

Theo TS Lê Bắc Huỳnh, có những hội đồng thẩm định ĐTM ngồi cho đủ ban bệ chứ không có vai trò gì nhiều trong đánh giá, thẩm định.

Phó mặc chủ đầu tư

Ông nhận định thế nào về thực trạng ĐTM đối với các dự án, công trình hiện nay?

ĐTM hiện nay có rất nhiều bất cập, vẫn để tình trạng các công trình, dự án gây ra hậu quả môi trường nghiêm trọng, thậm chí là gây ra tác động xã hội xấu. Từ lâu, các nhà khoa học đã nói đến khắc phục bất cập của ĐTM, một công cụ quan trọng bảo vệ môi trường khi thực thi các công trình, dự án, các khu công nghiệp…

Đặc biệt là khi làm ĐTM, người ta ít chú ý đến những tác động đến môi trường xã hội (tác động đến con người, xã hội) nếu không nói là rất yếu kém.

Một sự cố môi trường nghiêm trọng khiến dư luận cả nước quan tâm là việc Formosa xả thải làm ô nhiễm môi trường biển miền Trung thời gian qua. Câu chuyện ĐTM của dự án khiến dư luận khá bức xúc khi nó được làm khá sơ sài. Đây cũng là ví dụ về thực trạng ĐTM ở Việt Nam?

Muốn đánh giá tốt thì cơ quan quản lý phải có hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn văn bản quy phạm pháp luật, có những hướng dẫn chi tiết để đánh giá từng loại công trình, dự án. Ví dụ vừa rồi có Formosa làm thép thì phải có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Luật bảo vệ môi trường, các nghị định đã có nhưng phải chi tiết hóa nhiều. Hơn nữa, nếu không có các tổ chức có chuyên môn, cán bộ có trình độ đánh giá cũng không được.

Lỗ hổng ĐTM hiện nay nằm ở đâu?

Xưa đến nay chúng ta có thói quen là giao hẳn cho chủ đầu tư, và xưa nay chẳng ông chủ đầu tư nào làm được. Ông chủ đầu tư dùng tiền của mình thuê ông tư vấn, mà ông tư vấn ấy cũng không có năng lực tốt.

Từ lâu tôi vẫn nói, chắc là những công trình phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, cần có các nhà tư vấn độc lập. Nếu không, không thể đánh giá được môi trường.

Nếu vẫn duy trì tình trạng ông chủ đầu tư bỏ tiền ra cho ông tư vấn nào đấy đánh giá giúp mình, thì nghĩa là đã phó mặc cho chủ đầu tư, chứ không có cách nào kiểm tra, giám sát toàn diện cả. Nói nhiều, nhưng không ai làm.

Vấn đề là lấy tiền ở đâu để mà làm?

Các chủ đầu tư phải đóng phí để thẩm định, chứ không thể để tình trạng chủ đầu tư bỏ tiền ra cho nhà tư vấn. Rồi nhà tư vấn nhận tiền, vui vẻ làm theo ý của chủ đầu tư được.

Không có công cụ thì đánh giá kiểu gì?

Để thực hiện ĐTM, cần có các công cụ, chúng ta đã hoàn thiện những tiêu chí này chưa?

Cái này là khó khăn. Hiện có rất nhiều phương pháp, công nghệ, nhưng không có những hướng dẫn cụ thể. Đa phần là sử dụng cách đánh giá ở nước ngoài, trong khi cách làm ở Mỹ, ở Nhật hay làm ở đâu đấy lại không phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Làm theo các chỉ tiêu, thông số của nước ngoài mà không có sự áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhất là môi trường nước, đất, không khí và đặc biệt là đa dạng sinh học là không hợp lý.

Tại sao chúng ta có hệ thống các nhà khoa học nhiều như thế mà lại không xây dựng được hệ thống đánh ra cho riêng mình?

Để có hệ thống đánh giá ấy thì phải huy động các cơ quan, viện, trường cùng xây dựng. Chứ không có công cụ thì không thể đánh giá được. Tôi ngồi thẩm định ĐTM ở rất nhiều công trình, dự án thì thấy rằng người ta đánh giá chay nhiều quá. Thôi thì cứ làm đại đi cho xong.

Nếu công trình, dự án có quy mô nhỏ thì không sao, nhưng dự án lớn mà làm như thế thì không ổn. Chứ nếu không có phương pháp, không có hướng dẫn chung của cơ quan quản lý thì rất khó.

Để làm ĐTM hẳn là rất phức tạp?

Đúng thế, cần đến thông tin, số liệu, đủ các loại nhưng khâu này cũng cực kỳ yếu kém. Các công trình mới cần có các số liệu mới. Chứ nếu chỉ cần lấy mẫu đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, xã hội học, làm mỗi lần một vài mẫu thì không thể dùng vào việc gì được.

Nó chỉ cho ta một vài khái niệm ban đầu chứ không giúp gì cho việc chạy mô hình ĐTM hoặc là sử dụng các công nghệ để đánh giá tác động cả.

Cái này xem ra nặng về khoa học quá, mà giao cho chủ đầu tư thu thập thì e là khó?

Chủ đầu tư phải có các thông tin dữ liệu cần thiết thì mới thực hiện ĐTM được chứ. Chỉ cần đến các cơ quan quản lý là lấy được số liệu về địa chất, địa mạo, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước… Hoặc họ phải mua lại hệ thống dữ liệu này từ các cơ quan nhà nước.

Trước đây có truyền thống, muốn xây dựng công trình thủy điện, cần có số liệu cho thiết kế thì phải đo đạc kéo dài trong khoảng 20 năm mới có đủ chuỗi số liệu để phục vụ thiết kế công trình. Thế nên đối với một công trình, dự án lớn, đầu tư làm ĐTM mất 5-7 năm là bình thường. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm làm.

Chuyên gia phải là người “chống lưng”

Dường như hiện nay có tình trạng việc thực hiện ĐTM qua loa, làm cho có, một phần vì không có người làm?

Phải là các chuyên gia thì mới đánh giá được ĐTM. Chúng ta có quy định phải có chuyên gia, nhưng người giỏi về tài nguyên nước làm sao giỏi về không khí được.

Ở mỗi công trình, nguy cơ tác động của nó đối với môi trường và xã hội thế nào phải có chuyên gia tương xứng để đánh giá. Nhưng chúng ta lại đang làm rất kém và rất yếu.

Nhưng làm ĐTM đâu phải xong là xong, còn vai trò của các cơ quan thẩm định?

Người thẩm định hẳn là người phải có trình độ cao hơn người làm ĐTM, có cái nhìn tổng thể, bao quát của người quản lý. Sau đó phải có những hướng dẫn kỹ thuật để thẩm định.

Mỗi thành viên hội đồng thẩm định phải chú ý đến cái gì cụ thể trong báo cáo, từ đó rà soát đánh giá. Phải có đội ngũ chuyên gia đầu ngành một vài lĩnh vực cụ thể mới làm được. Chứ còn có những hội đồng thẩm định, ngồi cho đủ ban bệ thôi làm cho kết quả thẩm định không tốt.

Vai trò của các chuyên gia trong ĐTM là quan trọng nhất?

Phải có một đội ngũ chuyên gia “chống lưng” cho các cơ quan quản lý thực hiện ĐTM. Cái này ở các địa phương lại cực kỳ yếu kém. Trong khi đáng lẽ phải quy định, ở các địa phương cũng phải mời được các chuyên gia đầu ngành làm thẩm định.

Vậy người quản lý có cần phải là chuyên gia không?

Người làm công tác quản lý liên quan đến ĐTM cũng phải là những chuyên gia được đào tạo, am hiểu và giỏi, chứ còn bây giờ vẫn chung chung, vẫn còn yếu lắm, quá yếu.

Có một số người cũng am hiểu, nhưng cũng chỉ am hiểu chung chung thôi. Còn hầu hết là còn mới, ít đi sâu, trong khi nếu họ có trình độ chuyên môn tốt thì quản lý sẽ rất tốt.

Nói về Formosa, nhiều thành viên hội đồng có ý kiến về việc kiểm tra giám sát chất lượng nước thải như thế nào, nhưng đến khi người có quyền quyết định không theo ý kiến các thành viên hội đồng, thì cũng vô nghĩa.

Nên cần có một cơ chế như thế nào để kết luận của các nhà khoa học sẽ được đưa vào kết luận trong quyết định phê duyệt. Cần tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học. Nếu làm tốt, sẽ nâng chất lượng ĐTM lên tốt hơn trong thời gian tới.

Làm ĐTM có tốn kém không thưa ông?

Tùy vào từng dự án, nhưng ở Việt Nam thì số tiền này thường là rất nhỏ so với những nước phát triển, kiểm soát môi trường nghiêm ngặt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

Việc giám sát sau thực hiện ĐTM như thế nào cũng rất quan trọng xem khi sản xuất nhà đầu tư có thực hiện hay không. Cái gì phải đo tự động thì đo tự động, cái nào phải giám sát theo định kỳ thì phải giám sát. Không giám sát kiểu 3 tháng 1 lần, cứ đến ngày thì làm, trong khi đó giữa khoảng thời gian 3 tháng ấy người ta làm gì cũng không biết. Cần có hệ thống giám sát khách quan, việc này không hề khó gì.

Theo Đời sống
Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Tại một bãi đất quy hoạch thuộc địa bàn phường Phước Long A, TP Thủ Đức (TP HCM), vốn từ lâu được xem là “điểm đen” của rác thải tự phát, khi các bãi rác thải lớn ô nhiễm tồn tại “tra tấn” người dân sinh sống trong khu vực.
back to top