Đào tạo bao nhiêu lớp đủ sức phòng chống tham nhũng?

Theo ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, để chống tham nhũng, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các ngành, của cả xã hội, chứ không đơn giản mở ra một vài chương trình đào tạo là có thể giải quyết được. Một vài chục cán bộ đào tạo ra trường không có ý nghĩa gì trong công cuộc phòng chống tham nhũng.

Ông Ngô Văn Sửu

Cán bộ làm việc ở đâu?

Ngày 2/8, tại ĐH Quốc gia Hà Nội đã diễn ra lễ công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và Phòng chống tham nhũng do Khoa Luật tổ chức. Nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc có nên đào tạo trình độ thạc sỹ về lĩnh vực phòng chống tham nhũng, ông thì nghĩ sao?

Tôi cho rằng có thể người ta nghĩ chuyên ngành này chưa đào tạo thì bây giờ mở ra để thu hút người học. Còn bảo việc này có ý nghĩa gì trong công tác phòng chống tham nhũng thì tôi nghĩ nó không có ý nghĩa gì nhiều. Không có chuyện đào tạo chỉ trong 3-4 năm mà có thể phòng chống được tham nhũng. Để làm được thì cần có một chủ trương đường lối cụ thể, mang tính hệ thống từ cao xuống thấp chứ không đơn giản là một chương trình học.

Nhưng nếu một chuyên ngành chưa có mà đưa vào chương trình đào tạo thì biết đâu nó cũng có tác dụng?

Điều tôi băn khoăn là chuyên ngành đó học những môn gì, chuẩn đầu ra như thế nào. Khi ra trường thì các thạc sỹ ấy làm việc ở cơ quan nào, bộ phận nào chuyên về phòng chống tham nhũng?

Trong khi tham nhũng vẫn là vấn nạn gây bức xúc cho cả xã hội, cuộc chiến chống tham nhũng kéo dài cả mấy chục năm chưa đạt được kết quả như mong đợi, thì liệu một chương trình đào tạo có giải quyết được vấn đề? Rồi tham nhũng nó bám rễ khắp nơi như thế, đào tạo bao nhiêu lớp mới đủ sức phòng chống tham nhũng được?

Ông đang nói đến sự phức tạp của công cuộc phòng chống tham nhũng?

Không chỉ phức tạp mà cực kỳ khó khăn. Thực ra xã hội nào cũng có tham nhũng. Ở đâu có quyền lực là ở đó có tham nhũng. Nên việc chống tham nhũng cũng song song với sự phát triển của xã hội. Liệu mấy người chỉ học lý thuyết, dù là trình độ thạc sỹ, có đủ trình độ để giáo dục, phát hiện tham nhũng, có đủ dũng cảm để đấu tranh tố cáo tham nhũng?

Trong khi những việc đó đã có các cơ quan chuyên môn?

Đúng thế, ủy ban kiểm tra, các ban ngành, tổ chức, điều tra… đều vào cuộc khi phát hiện có sai phạm, thì không cần đến một lực lượng khác nữa. Hơn nữa, làm thế nào để phát hiện tham nhũng không đơn giản. Cán bộ phòng chống tham nhũng sẽ làm ở vị trí nào, làm gì, ngồi đâu? Hay chỉ mang cái danh thạc sỹ phòng chống tham nhũng để giảng bài, nói chuyện toàn là lý thuyết mà ít có tác dụng thực tiễn?

Có thể họ không chống tham nhũng được, nhưng họ góp phần giáo dục cán bộ khác phòng chống tham nhũng?

Chuyện giáo dục cũng chỉ là một phần. Tham nhũng là sự tha hóa của đạo đức và quyền lực. Khi người ta không đủ bản lĩnh để từ chối, không đủ bản lĩnh để quay lưng với cái sai, thì sẽ bị cuốn theo. Các giáo trình đào tạo hiện không thiếu. Cán bộ hiểu hơn ai hết những quy định của pháp luật nếu mình làm sai. Nhưng không phải vì hiểu mà họ không làm, thậm chí có người hiểu rất rõ vẫn tham nhũng. Do đó, đào tạo chuyên ngành về chống tham nhũng không có nhiều ý nghĩa.

Nên mở lớp đào tạo cán bộ lãnh đạo

Nhưng giáo dục căn bản luôn có vai trò nền tảng trong việc định hướng hành động, nhận thức của con người?

Tôi không phủ nhận vai trò của giáo dục mà chỉ nghi ngờ về tính hiệu quả của việc đào tạo ra những cán bộ có trình độ thạc sỹ về phòng chống tham nhũng. Để chống tham nhũng, nên chăng mở những lớp ngắn hạn cho cán bộ lãnh đạo. Giảng dạy về kinh nghiệm phòng chống tham nhũng ở các nước, về các quy định của pháp luật trong xử lý tội phạm tham nhũng… sẽ thiết thực hơn nhiều những khóa đào tạo dài hạn.

Việc đào tạo ấy có hiệu quả?

Nếu có quy định buộc các cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên tham gia các lớp này thì tôi tin là có tác dụng nhất định. Chuyện chống tham nhũng ở các nước khác cũng là những bài học sâu sắc cho các cán bộ. Còn để đào tạo các cán bộ chuyên môn sâu chống tham nhũng, tôi nghĩ chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu mà khó làm xoay chuyển được tình hình phòng chống tham nhũng hiện nay.

Có người cho rằng tham nhũng chỉ xảy ra ở cán bộ, nhiệm vụ của cán bộ là không được tham nhũng. Vậy thì đào tạo chống tham nhũng với người không là cán bộ, không là cán bộ lãnh đạo, sẽ là thừa, ông có nghĩ vậy?

Rõ ràng là như thế. Người có quyền mới tạo ra nhũng nhiễu, tham ô, tham nhũng. Chính vì thế, người nên học về phòng, chống tham nhũng là cán bộ, công chức nhà nước. Nên đào tạo, nghiên cứu, thành lập các khoa liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong các trường đảng, trường cán bộ, hành chính.

Trong các trường ấy mở khoa phòng, chống tham nhũng thì có lý hơn. Phải quán triệt, hệ thống lại về phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, từ cán bộ đảng đến cán bộ chính quyền, cán bộ đoàn thể, mặt trận… hơn là đào tạo trình độ thạc sỹ, rồi có thể là tiến sỹ về phòng chống tham nhũng.

Người không biết dạy người biết?

Nếu các thạc sỹ phòng chống tham nhũng chỉ có nhiệm vụ đi đào tạo cán bộ để ngăn ngừa tham nhũng thì sao?

Muốn giảng thành một chuyên đề thì người người giảng phải có lý luận, đòi hỏi người giảng phải giỏi và được đào tạo. Trong đó kiến thức thực tế rất quan trọng, hơn nhiều lý thuyết. Nên nếu chỉ để giảng dạy thì không cần thiết.

Nghĩa là giảng dạy về cái gì phải am hiểu thực tế cái đó?

Về nguyên tắc, dạy phòng chống tham nhũng cũng giống như dạy ăn cơm, người biết ăn cơm dạy người chưa biết ăn cơm, ông ví von.  Nếu một người chưa biết gì về tham nhũng mà bây giờ dạy họ phòng, chống tham nhũng thì vô lý. Không ai dạy được một người mà rồi người ấy có thể cầm cân nảy mực, chống được tham nhũng. Nếu thế thì nên dạy cho cả bộ máy còn hơn.

Nếu chuyên giảng dạy về các quy định của pháp luật trong phòng chống tham nhũng thì sao thưa ông?

Nếu dạy phòng chống tham nhũng tức là dạy cho người ta biết pháp luật phải xử lý nghiêm, hiệu quả, phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, giám sát xem người ta có nhận phong bì hay không… thì những chuyện đó đều đã nói nhiều mà thực tế làm không được bao nhiêu. Muốn phòng, chống tham nhũng thì phải dạy kiểu khác, chứ không phải dạy theo kiểu hàn lâm thế này.

Xin cảm ơn ông!

PGS. TS Vũ Công Giao (Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã giới thiệu khái quát về chương trình đào tạo thạc sĩ Luật học về quản trị Nhà nước và phòng chống tham nhũng. TS. Vũ Công Giao cho biết, mục tiêu của chương trình nhằm đào tạo ra các chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng cho các cơ quan tổ chức đang tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.  Đối tượng tham gia chương trình bao gồm những người có bằng cử nhân Luật học ở tất cả các chuyên ngành trong và ngoài Việt Nam; người có bằng cử nhân gần với ngành Luật như Quản lý Nhà nước, Quản lý công, Chính trị học,… Về đội ngũ giảng dạy, nòng cốt là các giáo sư, tiến sĩ đang là giảng viên của khoa Luật ĐHQG Hà Nội, ngoài ra còn có các giáo sư nước ngoài, các giáo sư, tiến sĩ giảng viên của các trường ĐH khác tại Việt Nam, các chuyên gia đang làm việc cho các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp. Thời gian đào tạo cũng như hầu hết các chương trình thạc sĩ khác là 2 năm. Đây là chương trình định hướng nghiên cứu nên kết cấu có 64 tín chỉ tương đương 16 học phần.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top