Khi việc kê khai tài sản đi vào thực chất, với nhóm cán bộ cao cấp, chắc chắn công tác phòng chống tham nhũng sẽ có những biến chuyển.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Sẽ biết hết tài sản của cán bộ
Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có quyền kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là điểm mới trong Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII. Ông đã từng đảm nhiệm những công việc quan trọng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông nghĩ sao về điều này?
Nền kinh tế thị trường ngày càng đi vào chiều sâu, thu nhập chung cũng ngày càng tốt lên. Một trong những thước đo độ liêm chính của cán bộ là tài sản thế nào, diễn biến ra sao, nguồn gốc từ đâu.
Thực ra vấn đề này đặt ra không mới, đã nói hàng chục năm trước việc kiểm tra, giám sát, kê khai tài sản cán bộ. Nhưng quy định chưa rõ ràng.
Việc cán bộ, đảng viên phải kê khai tài sản cũng mới chỉ dừng ở hình thức, chưa có sự kiểm tra giám sát. Chủ trương thì có từ lâu nhưng chưa được thực hiện triệt để, thiếu hiệu quả.
Bản thân tôi thì hy vọng đây sẽ là bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng. Thế nhưng tôi cũng băn khoăn, liệu chỉ có Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì có làm được?
Trong luật phòng chống tham nhũng thì Thanh tra Chính phủ chủ trì việc này. Giờ Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cấp phải vào cuộc thực hiện có hiệu quả chủ trương này.
Trước đây thì việc kiểm tra kê khai tài sản cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chưa được giao thành một nhiệm vụ. Giờ thực hiện như một nhiệm vụ rồi thì tôi nghĩ là điều rất tốt, sẽ có hiệu quả.
Nghĩa là tới đây, tài sản của các cán bộ cao cấp sẽ được kiểm tra, minh bạch?
Với quy định này, đồng chí A có mấy ngôi nhà, mấy cái ô tô, có tiền gửi ở ngân hàng nào, nếu được yêu cầu, đồng chí sẽ phải khai báo với Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ủy ban Kiểm tra Trung ương có quyền hỏi nguồn tiền, nguồn tài sản của cán bộ có từ đâu, có minh bạch hay không, chính đáng không. Nếu tài sản không rõ nguồn gốc, không giải trình được thì sẽ phải đưa ra xem xét.
Làm được thế thì tốt quá!
Thì các “đồng chí chưa bị lộ” lúc này không thể né tránh được. Chỉ khi đó thì mới ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay.
Thực tế là tình trạng kê khai tài sản mang tính hình thức, không đi vào thực tế, vẫn đang khá nan giải. Làm thế nào để việc hỏi – trả lời ấy nó không là hình thức giống như kê khai tài sản?
Đúng là việc kê khai xong để đó, kê khai tài sản chỉ là một vấn đề đã được đề cập lâu rồi. Bởi không ai kiểm tra, giám sát xem việc kê khai đó có đúng không. Bây giờ chúng ta phải làm rõ.
Những cán bộ “nhạy cảm”
Việc kiểm soát kê khai tài sản của những cán bộ cao cấp, có phải là lĩnh vực “nhạy cảm”?
Không phải “nhạy cảm”, mà là “rất nhạy cảm”. Bởi cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thời tôi còn làm, là những cán bộ thiếu tướng quân đội, công an trở lên, chủ tịch, bí thư các tỉnh thành trở lên, chủ tịch hội đồng nhân dân các tỉnh thành trở lên, tất nhiên là gồm cả các ủy viên trung ương Đảng.
Ví dụ như đi kiểm tra một ông bí thư tỉnh ủy hay ông chủ tịch tỉnh xem ông có bao nhiêu nhà đất, có bao nhiêu tiền, đâu phải là chuyện dễ. Có quy định này rồi thì buộc các cán bộ đó phải khai báo tài sản một cách đầy đủ, công khai, minh bạch.
Việc kiểm soát tài sản của cán bộ cao cấp, cũng là mong mỏi của người dân trong công tác phòng chống tham nhũng?
Đa số những người này là những người có chức, có quyền, những người đứng đầu.
Thời ông còn làm, có khi nào ông cũng phải kiểm tra tài sản của những cán bộ thuộc diện “nhạy cảm”?
Lúc đó không có quy định nên không buộc ai kê khai tài sản được. Ví dụ như thấy có người có nhiều nhà đất, được phản ánh là chúng tôi kiểm tra ngay. Yêu cầu đồng chí đó phải giải trình.
Có nhiều trường hợp khi nghe phản ánh, chúng tôi kiểm tra, nhắc nhở thì người đó không sai phạm nữa. Có một đồng chí cán bộ cao cấp trả lại nhà công vụ đang ở để đến ở ở mới.
Và nếu được như thế, ngoài đồng chí đó được cấp nhà mới, các con đồng chí ấy cũng được giải quyết nơi ở mới. Biết được việc này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã yêu cầu xem xét lại, và đồng chí ấy thấy đúng là không ổn, nên đã không thực hiện kế hoạch trước. Không làm điều sai trái nữa.
Nghĩa là trường hợp này, các con cũng được giải quyết chế độ nhà công vụ giống như bố, trong khi chỉ có bố là cán bộ thuộc diện được hưởng?
Đúng thế, chúng tôi cũng nói rằng nếu giải quyết như thế thì không ổn. Vậy là đồng chí đó xin ở lại chỗ cũ, cho các con tự lo nhà. Làm thế thì giữ được uy tín cho đồng chí, không ai phải xì xào nữa. Còn nhiều việc khác tương tự cũng như thế nữa.
Khó nhất là minh bạch
Bản thân tôi thấy đây là dấu hiệu đáng mừng trong công tác phòng chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có quyền kiểm soát, kiểm tra, giám sát tài sản cán bộ một cách độc lập?
Đúng là một dấu hiệu rất đáng mừng, các ban ngành cũng phải cùng tham gia phối hợp. Ví dụ định kiểm tra đồng chí bộ trưởng, thì cũng phải đồng thời làm việc với ban cán sự Đảng ở cơ quan đó nữa. Cần thiết lập mối quan hệ, phối hợp với nhau để việc kiểm tra minh bạch, đạt kết quả.
Có thể hy vọng tới đây sẽ không còn “vùng cấm” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng?
Đúng là như thế, tài sản là biểu hiện sự minh bạch, liêm khiết của cán bộ. Nhà, đất, xe, tiền, vàng… là những tài sản. Nếu kiểm tra được nguồn gốc những thứ này sẽ kiểm soát được tham nhũng.
Theo ông, cái khó nhất trong việc kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ cấp cao là gì?
Cái khó nhất là làm thế nào để minh bạch, làm sao để người khai báo kê khai trung thực đầy đủ. Người đi kiểm tra phải xác định được người đó đã kê khai trung thực, đầy đủ chưa.
Từ đó thì biểu dương ai, phê bình ai, xử lý ai… Cán bộ kiểm tra phải rất khách quan, không sợ liên lụy, không nể nang, không né tránh, và phải có trình độ thẩm định tốt.
Cán bộ kiểm tra có phải là một cơ quan độc lập? Bởi việc kiểm tra giám sát những cán bộ cao cấp không phải dễ?
Ủy ban Kiểm tra Trung ương có quyền kiểm tra cán bộ cấp cao, các địa phương thì thực hiện theo phân cấp. Làm thế nào để việc kiểm tra là khách quan, minh bạch, không vụ lợi, vì họ có toàn quyền được hỏi, được yêu cầu giải trình và quyền kết luận. Còn xử lý thế nào thì phải theo các quy định của Đảng, Nhà nước, của pháp luật.
Theo ông tình hình tham nhũng có được cải thiện nhiều không sau quy định này?
Cái này thể hiện quyết tâm của trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đó là nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, đưa cuộc chiến chống tham nhũng đến đích mới. Tôi hy vọng và có niềm tin sẽ đạt kết quả tốt. Dù biết, đây không phải là việc dễ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2016, Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Về kiểm soát tài sản thu nhập, để khắc phục hạn chế như hiện nay giao cho cơ quan quản lý người có nghĩa vụ kê khai đồng thời quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập, làm cho việc kê khai rất hình thức, không giúp kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Thanh tra Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước…
Tô Hội (thực hiện)