Nhận thức “tầm thấp” mới đề xuất vậy!

Trong khi cả nước phải hô hào tiết kiệm, chống lãng phí, nguy cơ lạm phát đang đe dọa… mà tỉnh Thanh Hóa đề xuất chi trăm tỉ làm lễ kỉ niệm chứng tỏ người đề xuất không thức thời, nhãn quan chính trị kém, nhận thức “tầm thấp”.

Ông Hoàng Thọ Kiểm.

Ông Hoàng Thọ Kiểm, nguyên cán bộ Vụ Cán bộ Giáo dục, Bộ Nội thương (Bộ Công thương) nói về đề xuất chi hơn 100 tỷ đồng kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hoá. Ông cho rằng, trong khi cả nước phải hô hào tiết kiệm, chống lãng phí, nguy cơ lạm phát đang đe dọa… mà tỉnh Thanh Hóa đề xuất chi một số tiền lớn như vậy để làm lễ kỷ niệm chứng tỏ người đề xuất không thức thời, nhãn quan chính trị kém.

Lãng phí còn nghiêm trọng hơn tham nhũng

Ngày 26/6, ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, cho biết cơ quan này vừa có công văn gửi Sở Tài chính khái toán tổng số kinh phí tổ chức các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa.

Theo đó, lễ kỷ niệm này dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 1/5 đến ngày 7/5/2019. Tổng kinh phí được khái toán ban đầu là 104,722 tỷ đồng. Trong số đó, hơn 82 tỷ đồng được lấy từ ngân sách nhà nước, số còn lại được huy động từ nguồn xã hội hóa.

Hàng năm, Thanh Hoá vẫn phải xin hỗ trợ ngân sách từ Trung ương và xin gạo cứu đói cho người nghèo. Dư luận có nhiều ý kiến về việc này, ông nghĩ sao?

Lâu nay tôi cũng theo dõi một số thông tin về vấn đề này. Đặc biệt trong các kỳ họp của Chính phủ, vấn đề chống lãng phí, thực hành tiết kiệm luôn được nhắc đi nhắc lại và thực hành triệt để. Lãng phí không khác nào tham nhũng, thậm chí còn tai hại hơn.

Chính phủ luôn kêu gọi tiết giảm chi tiêu công, chi thường xuyên, để phục vụ các mục tiêu phát triển. Ấy thế mà người ta lại đề xuất một số tiền quá lớn như vậy để tổ chức lễ kỷ niệm thì đúng là không hiểu nổi.

Chắc có người nghĩ rằng đời sống vật chất còn khó khăn thì đời sống tinh thần phải phong phú?

Đời sống tinh thần phong phú có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau chứ không phải là đầu tư hàng trăm tỉ đồng như thế. Lâu nay chúng ta có “phong trào” làm lễ kỉ niệm.

Càng to, càng hoành tráng, càng tổ chức dài ngày, thì càng thể hiện cái oai, cái “tầm cao” của nhà tổ chức. Thế là lễ kỉ niệm nào cũng cờ hoa rực rỡ, quà tặng ôm trĩu tay, ăn uống no say… Nhưng rồi các hạng mục khác cần đầu tư như y tế, giáo dục, giao thông… thì vì khó khăn, nên năm này qua năm khác không có nhiều cải thiện.

Phải chăng ta có tâm lý thích thể hiện ra bên ngoài sự hào nhoáng hơn là đầu tư vào bên trong, đầu tư thực chất?

Điều ấy không xấu, nhưng tùy bối cảnh mà xem nó có cần thiết hay không. Trong không khí cả nước thực hành tiết kiệm chống lãng phí thì lãnh đạo địa phương phải hiểu rằng nên chi cái gì, làm thế nào thì phù hợp với tình hình của đất nước. Hàng trăm tỉ đồng, trong đó xin ngân sách là chính, chỉ để phục vụ cho những hoạt động kỉ niệm, e rằng người dân không đồng tình.

Nhưng đó là một lễ kỉ niệm khá lớn?

Thanh Hóa là một tỉnh còn rất nhiều khó khăn, đời sống dựa vào nông nghiệp là chính. Trong khi người dân vẫn phải bám vào cây luồng mà sống, kinh tế chưa có gì đột phá mà lại đi đề xuất tổ chức rình rang như thế, nó tạo ra sự phản cảm, không thức thời của người cán bộ. Họ không nắm được tình hình chung cũng như chỉ đạo của cấp trên.

Giờ đâu phải là lúc ăn chơi!

Ông không đồng tình với đề xuất này vì số tiền lớn quá hay vì sử dụng tiền này chưa trúng vào nhu cầu của người dân?

Tôi cho rằng nhận thức chính trị của người làm ra đề xuất này ở tầm thấp. Nếu nhân dịp kỉ niệm này, người ta đề xuất xin tiền Trung ương 100 tỉ đồng để xây trường, trạm, làm đường giao thông cho bà con… thì có phải đáng mừng biết bao nhiêu không. Cũng là một cách để tổ chức kỉ niệm, sao lại lựa chọn việc kỉ niệm phù phiếm thế. Nếu là lãnh đạo có tâm, có tầm, có ý thức chính trị tốt, vì dân vì nước mà làm, thì chắc chắn sẽ không đề xuất như vậy.

Liệu người dân có đồng tình không, theo nhận định của ông?

Tôi cho là người dân sẽ phản đối thôi. Cứ nhìn vào bối cảnh chung cả nước đang miệt mài lao động hăng say, kinh tế còn nhiều khó khăn, thì lúc này đâu phải là lúc để chúng ta ăn chơi. Mấy hôm nay đi chợ thấy giá cả đang có dấu hiệu tăng rồi. Tờ báo đọc hàng ngày tăng giá, mớ rau, con cá cũng tăng. Cơ quan chức năng cũng phát đi thông báo nguy cơ lạm phát có thể tăng cao khó kiểm soát. Đây đâu phải lúc để làm các lễ hội hoành tráng đầy sắc màu mà tốn kém, lãng phí.

Ông nói vậy không sợ người đưa ra đề xuất cảm thấy buồn, vì có thể mục đích của họ chỉ là tổ chức một cái lễ kỉ niệm thực sự ấn tượng thôi?

Tôi cho rằng nhận thức tầm thấp mới đưa ra đề xuất ấy. Tốt nhất là hãy kỉ niệm bằng những việc làm thiết thực, xây nhiều những công trình điện, đường, trường trạm, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn…

Nếu tỉnh nào cũng thế thì…

Đề xuất tổ chức một lễ kỉ niệm lớn, hẳn là cũng vì dân, vì muốn đem đến cho người dân sự tự hào về địa danh của mình?

Liệu hơn 100 tỉ đồng ấy có làm cho người dân ấm no hơn, đỡ nhọc nhằn hơn? Cán bộ mà không vì dân là cán bộ bỏ đi. Nhưng vì dân không có nghĩa là vì những điều phù phiếm, không phù hợp với dòng chảy chung cả đất nước.

Có phải vì ông không phải là người Thanh Hóa mà ông phản đối?

Tôi không nói a dua theo đám đông, tôi đóng góp ý kiến trên cái tâm của một người luôn quan tâm đến vấn đề chung của xã hội. Tôi không thích phê phán ai cả. Nhưng cái sai thì phải bác bỏ, cái đúng phải bảo vệ. Đừng chạy theo phong trào, làm một cái lễ kỉ niệm cho bằng chỗ nọ chỗ kia, nơi nọ nơi kia. Sức mạnh của địa phương nằm ở nội lực bên trong chứ không phải những thứ hào nhoáng bên ngoài.

Thay vì tổ chức lễ kỉ niệm ấy, theo ông thì Thanh Hóa nên làm gì?

Hiện tại, Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần tập trung vào những điều người dân còn băn khoăn, những khiếm khuyết hơn là những hình thức. Không cần nói đâu xa, tại Thanh Hóa người dân Mường Lát, Bá Thước, Hậu Lộc còn nhiều khó khăn gian khổ cần phải trợ giúp. 100 tỷ là số tiền khổng lồ, nên dùng số tiền này chi cho các tỉnh vừa trải qua cơn đại hồng thủy như Lai Châu, Hà Giang… thì có ý nghĩa và thiết thực hơn.

Nếu tỉnh nào cũng xin tổ chức kỉ niệm như thế thì chắc không ổn?

Việt Nam có tới 63 tỉnh thành, hầu như tỉnh nào cũng có những sự kiện gắn với lịch sử, văn hóa, phát triển kinh tế… Nếu mỗi tỉnh kỷ niệm lại… xin 100 tỷ, vậy ngân sách ở đâu ra? Tóm lại đề xuất dự án 100 tỷ của Thanh Hóa là không hợp lý, không khả thi.

Xin cảm ơn ông!

Các hoạt động trong lễ kỷ niệm được khái toán cụ thể: Lễ kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi và Lễ hội Lam Kinh năm 2018 (tổng chi khoảng 8 tỷ đồng, 5 tỷ đồng từ ngân sách). Tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về Thanh Hóa, in nhân bản đĩa CD, DVD các ca khúc viết về Thanh Hóa (khoảng 4,5 tỷ đồng); tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa năm 2019 (dự chi hơn 23 tỷ đồng, hơn 17 tỷ đồng từ ngân sách)…

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top