Giấy phép con gia tăng cùng nạn tham nhũng

Theo PGS.TS Võ Trí Hảo, Đại học Kinh tế TPHCM, giấy phép con là một vấn nạn với vô vàn biến tướng từ khi đổi mới tới nay, nó phát triển đồng dạng, đồng tốc độ, ngày càng đa dạng, tinh vi cùng với sự phát triển của tham nhũng ở Việt Nam sau đổi mới. Việc nâng quy định từ thông tư lên thành nghị định mà trái với Luật Đầu tư 2014 thì không có ích gì, chỉ là thay áo khoác.

Giấy phép biến thành nhà lầu, xe hơi

Theo Luật Đầu tư 2014, các điều kiện kinh doanh quy định ở cấp thông tư không được đưa lên thành nghị định thì đương nhiên sẽ bị bãi bỏ vì “trái luật”. Thế nhưng theo lời một số chuyên gia, việc bãi bỏ các “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến quyền lợi các bộ, ngành nên ai cũng muốn giữ. Điều này có thể hiểu vì sao không ạ?

Cuộc chiến chống sự biến tướng của giấy phép con chính là một bộ phận của cuộc chiến chống tham nhũng. Nhưng “chiến trường” này khó khăn hơn nhiều, bởi đây là loại hình tham nhũng chính sách (policy corruption), chứ không phải là các hành vi tham nhũng cá biệt, bởi vậy không thể áp dụng trách nhiệm hình sự đối với hình thức trục lợi qua việc quy định giấy phép con.

Điều này lý giải, tại sao kể từ năm 1999, sau khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 được thông qua, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành lập Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp và ban hành Quyết định 19/2000/QĐ – TTg để “chiến đấu” chống lại giấy phép con, giấy phép bất hợp lý, nhưng nó vẫn hồi sinh như nấm sau mưa từ đó đến nay.

Đã từng có cuộc “chiến đấu” chống lại giấy phép con?

Tôi đặt câu hỏi, phải chăng cuộc chiến chống lại giấy phép con biến tướng trong 30 năm qua đã không tìm đúng loại thuốc kháng sinh, đặt nhầm việc kiểm soát giấy phép con vào chủ thể hoặc không có động lực hoặc có động lực nhưng không đủ lực để kiểm soát?

Cái thực trạng “như nấm sau mưa” ấy cụ thể thế nào thưa ông?

Đối với một số lĩnh vực kinh doanh bị quản lý theo quy hoạch, cơ quan quản lý lấy lý do “thị trường, nhu cầu bão hòa” để từ chối giấy phép mới, thương nhân muốn kinh doanh phải mua lại giấy phép từ người khác; từ đây hình thành nên “thị trường chuyển nhượng giấy phép”.

Khi vào Google tìm kiếm “sang nhượng giấy phép kinh doanh khách sạn, karaoke…” sẽ ra hàng trăm kết quả, với giá từ trăm triệu đến bạc tỉ. Có trường hợp, người bán không bóc tách mà chuyển nhượng toàn bộ khách sạn, cơ sở karaoke… kèm theo giấy phép.

Người ta có thể mua, bán giấy phép?

Nhưng người trong nghề dễ dàng bóc tách ra trong giá chuyển nhượng này sẽ gồm ba bộ phận: chi phí thực tế xin giấy phép + (cơ sở vật chất – khấu hao) + giá trị thương hiệu. Và ai cũng thấy, khi các giấy phép gắn liền với độc quyền địa hạt thì giá chuyển nhượng cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với chi phí chính thức mà doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước khi làm thủ tục xin lần đầu.

Khoản chênh lệch này do doanh nghiệp hưởng?

Người chuyển nhượng chỉ được hưởng một phần trong đó thôi, phần còn lại sẽ thuộc về “cò giấy phép”. “Cò giấy phép” sẽ phải chia lại phần thu nhập này cho ai? Vụ án Mai Văn Dâu – Mai Thanh Hải năm 2004 cho thấy giấy phép, hạn ngạch, quy hoạch… đã mang lại nhà lầu, xe hơi cho một “bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức tham nhũng.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện có hơn 7.000 giấy phép con các loại, hơn một nửa trong số đó là không đủ căn cứ pháp lý tồn tại vì được quy định ở thông tư của các bộ. Mà theo quy định, các bộ không được phép ban hành điều kiện kinh doanh. Từ 1/7/2016, những giấy phép con quy định ở cấp thông tư sẽ bị hủy bỏ hoặc phải rà soát điều kiện nào hợp lý thì nâng lên thành Nghị định.

Biến “tối hậu thư” thành hiện thực

Vậy thì kể từ sau ngày 1/7 tới đây khi Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực, thực trạng này có thay đổi?

Ý thức được sự “chây ỳ” của nhóm lợi ích đằng sau các giấy phép con, khoản 3 điều 74 Luật Đầu tư năm 2014 đã đưa ra “tối hậu thư” cho các giấy phép không phù hợp với Luật Đầu tư 2014: “Điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, trái với quy định tại khoản 3, điều 7 của luật này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016”.

Nhưng biến “tối hậu thư” này thành hiện thực là một thách thức lớn đối với Quốc hội khóa 14, cũng như Chính phủ sau ngày 1/7/2016.

Bất cập hiện rõ nhất trong suốt “cuộc chiến” chống giấy phép con nhiều năm qua là gì, liệu chúng ta có lặp lại lỗi đó?

Để ngăn chặn giấy phép con, trước đây chúng ta vẫn dựa vào sự tự nguyện của các cơ quan đưa ra quy định. Nhưng nhìn chung, các cơ quan hành pháp lại chính là cơ quan cấp phép, nên nếu có bổng lộc thì chính “bộ phận không nhỏ” trong các cơ quan này trực tiếp thụ hưởng. Bởi thế mà khó.

Vậy vai trò giám sát của các cơ quan khác đâu, mỗi văn bản, quy định ra đời đều có các cơ quan liên quan rà soát rất kỹ cơ mà?

Trong việc giám sát này, vai trò của Quốc hội và tòa án khá mờ nhạt. Các cơ quan này thường không liên quan trực tiếp tới thủ tục cấp phép, cần được trao vai trò thích hợp trong việc khống chế cơ quan hành pháp đặt ra các giấy phép con biến tướng.

Tòa án không liên quan thủ tục cấp phép, buộc phải thụ lý đơn kiện của doanh nhân trong các vụ việc cụ thể, cần phải được trao vai trò bảo vệ thương nhân thích đáng.

Cuối cùng thì ai là nạn nhân của giấy phép con?

Thương nhân mới là nạn nhân trực tiếp của những giấy phép con bất hợp lý, họ mới là chủ thể có động lực nhất trong “cuộc chiến” này.

Chỉ Quốc hội mới được quyền sửa luật

Để các giấy phép con không lộng hành, làm khó cho doanh nghiệp và làm giàu cho kẻ tham nhũng, thì cần phải có những quy định thế nào một cách cụ thể thưa ông?

Tôi cho rằng tới đây, Quốc hội khóa 14 cần ban hành Nghị quyết thi hành Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, với các quy định sau cụ thể.

Việc bổ sung, sửa đổi bất kỳ giấy phép, chứng nhận, chứng chỉ hay bất kỳ hình thức nào hạn chế quyền kinh doanh của cá nhân, tổ chức (gọi chung là giấy phép) sau ngày 1/7/2016 được xem là hành vi sửa đổi, bổ sung các Phụ lục của Luật Đầu tư. Việc sửa đổi bổ sung này phải do Quốc hội thực hiện.

Thứ nữa là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào bị xử phạt, hạn chế kinh doanh, bị từ chối tiến hành thủ tục hành chính hay hạn chế bất kỳ quyền lợi nào vì lý do chưa có giấy phép khác với quy định của Luật Đầu tư và các nghị quyết Quốc hội về vấn để sửa đổi, bổ sung giấy phép có quyền ngay lập tức khởi kiện ra tòa hành chính.

Việc kiện tụng như vậy liệu có phức tạp, có dễ xử?

Vì thế phải quy định thêm, khi tòa án chấp thuận và xác nhận yêu cầu của người khởi kiện nêu trên là đúng pháp luật, cơ quan bị kiện phải bồi thường chi phí tố tụng, thù lao luật sư cho bên khởi kiện 30 triệu đồng nếu bản án hành chính sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; 50 triệu đồng nếu bản án hành chính sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.

Giải pháp mạnh tay như vậy tiến tới mục tiêu gì thua ông?

Phải có một nghị quyết mạnh mẽ như thế mới đoạn tuyệt được với nhóm lợi ích, thể hiện được sự không khoan nhượng trong cuộc chiến chống lại sự biến tướng của các giấy phép con bất hợp lý.

Còn nếu chỉ “biến tướng” các giấy phép con, nâng một cách cơ học từ thông tư thành nghị định?

Việc nâng từ thông tư lên Nghị định, mà điều kiện đó vẫn trái với Luật đầu tư 2014 thì không có ích gì, chỉ thay áo khoác; nếu nâng lên mà phù hợp với Luật đầu tư 2014 thì có tác dụng kiểm soát tốt hơn lợi ích cục bộ ngành.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top