Độc tính hoa chuông mạnh sao có thể gây loạt vụ ngộ độc?

Hoa chuông mọc dại tại vùng núi phía Bắc và Đà Lạt và được trồng làm cảnh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tất cả các bộ phận của cây hoa chuông đều chứa chất độc gây ảo giác scopolamine, một alkaloid có nhiều trong các cây họ Cà.

Mới đây tại Vĩnh Phúc, xảy ra vụ ngộ độc hoa chuông khiến bệnh nhân nhập viện cấp cứu.

Theo đó, ngày 20/6, bác sĩ Đỗ Đình Lượng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mới đây cơ sở này tiếp nhận 3 trường hợp nghi ngờ ngộ độc hoa chuông.

Bệnh nhân cho biết, trên đường đi chơi trên Tam Đảo, họ hái hoa chuông về nấu ăn. Sau khi ăn khoảng 5-7 phút, cả ba người đều xuất hiện tình trạng tê môi, lưỡi, chân tay. Họ tự bắt xe xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc (cách khoảng 25km) cấp cứu.

Sau khi vào viện, ngoài biểu hiện tê môi, lưỡi, đầu chi gặp ở 3 bệnh nhân, một phụ nữ trong số đó còn có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, kích động.

Hiện tại cả 3 bệnh nhân sức khỏe đã ổn định.

Trước đây vào năm 2020, tại tỉnh Lào Cai, 10 người sau khi ăn hoa chuông đã bị ngộ độc với những biểu hiện như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn. Một số người nặng hơn xuất hiện các triệu chứng: ảo giác, khó thở, môi và tứ chi tím tái.

Cây hoa chuông có tên gọi khoa học là Scopolamine hay "Hơi thở của quỷ". Loại cây này có nguồn gốc, xuất xứ từ Borrachero. Nhờ hình dạng lạ, đa dạng màu sắc mà loài cây này rất được ưa chuộng trên thế giới. Đây là loại cây lâu năm rễ mọc ngầm thành cụm dày trong lòng đất. Hoa của loài cây này trông giống như hoa loa kèn, có màu trắng và vàng nhìn rất đẹp mắt.

Tất cả các bộ phận trên cây hoa chuông đều chứa độc tố nên ai đó lỡ ăn nhầm sẽ bị trúng độc ngay lập tức. Ở dạng nhẹ, bệnh nhân ngộ độc có biểu hiện nôn trớ, mệt mỏi, choáng váng… Ở thể nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng suy thận, suy tim cấp, bị ảo giác, hoang tưởng. Do độc tính của cây quá mạnh, để tránh các trường hợp ngộ độc người trồng không nên dùng bất kỳ bộ phận nào của nó để chế biến thực phẩm.

Để phòng chống ngộ độc thực phẩm các loại cây, quả rừng nói chung, ngộ độc quả cây hoa chuông nói riêng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo: tuyệt đối không ăn các loại cây, quả rừng khi không rõ nguồn gốc, đặc biệt không nên trồng các cây thuộc họ cà độc dược (cây hoa chuông). Khi bị ngộ độc cây quả rừng trước hết cần gây nôn cho bệnh nhân, sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu và điều trị.

Theo Đời sống
Những ai nên hạn chế đi bộ?

Những ai nên hạn chế đi bộ?

Mặc dù đi bộ là an toàn và phù hợp với tất cả mọi người, nhưng những người có tình trạng bệnh lý hoặc hạn chế về thể chất nhất định nên đề phòng hoặc tránh đi bộ trong một số trường hợp nhất định.
back to top