Cơm để lâu mất chất dinh dưỡng
Để đem cơm đi làm, nhiều người nấu cơm sẵn từ tối hôm trước, sang hôm sau cho vào hộp để buổi trưa ăn. Việc để cơm lâu như vậy trước khi ăn là một thói quen rất không tốt, làm các thành phần có trong hạt gạo bị biến chất. Khi đó, cơm không còn bổ dưỡng nữa.
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lúa, Học viện Nông nghiệp cho biết, cơm vừa nấu thì các dưỡng chất có trong cơm vẫn được giữ nguyên, chưa bị chuyển hóa. Không nên ăn cơm đã nấu quá 8 tiếng vì khi đó, cơm không còn dưỡng chất nữa. Khi nấu ăn, nên ước lượng vừa đủ để ăn hết, không nên nấu theo kiểu “áng chừng”, càng không nên tích trữ quá nhiều cơm nguội dồn lại mới ăn bởi khi đó, cơm không còn dưỡng chất nữa.
Cơm nguội để trên 8 giờ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển, sản sinh ra loại độc tố cực có hại cho đường tiêu hóa. Nếu cơm không được bảo quản tốt, các vi khuẩn trong không khí cũng tập trung lại đây sẽ khiến người ăn vào mắc phải một số triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài, chóng mặt, đau đầu…
Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nếu muốn đem cơm ở nhà đến cơ quan ăn trưa thì tốt nhất là nên nấu cơm vào buổi sáng. Đến trưa, cơm vẫn còn hơi ấm ấm và chưa bị mất đi các dưỡng chất.
Nộm, gỏi dễ gây ngộ độc
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết khi làm gỏi bạn cho rất nhiều gia vị như giấm, ớt… Những món ăn này để lâu rất dễ sinh nấm mốc, gây ngộ độc, vì vậy, tốt nhất là ăn ngay sau khi chế biến. Không nên chế biến sẵn các món này để cho bữa trưa tại văn phòng. Những thành phần như giấm, muối, đường, ớt… khi trộn lẫn với nhau mà để lâu dễ tạo ra những phản ứng sinh ra chất có hại cho sức khỏe, mùi vị cũng không còn ngon nữa.
Trường hợp vẫn muốn ăn các món nộm, gỏi thì tốt nhất là để riêng nguyên liệu và gia vị, khi nào ăn mới trộn vào là cách an toàn nhất. Nếu muốn ăn các loại rau củ sống thì nên để cả quả, đến bữa ăn mới rửa, gọt và sử dụng như dưa chuột, củ đậu. Các loại rau thường ăn nộm như giá đỗ, rau mầm… có thể rửa sạch trước ở nhà, đến khi ăn mới trộn gia vị để sử dụng. Khi đó rau mới giữ được dưỡng chất và không gây ngộ độc.
Rau xanh mất vitamin
Các loại rau ăn lá có màu xanh rất giàu vitamin và khoáng chất, nhưng chúng chỉ bổ dưỡng khi chế biến xong và ăn ngay. Dinh dưỡng trong các loại rau ăn lá rất dễ bị mất đi trong quá trình chế biến như nấu quá lâu, nhiệt độ nấu quá cao, và sau khi chế biến để rất lâu mà chưa ăn.
Nhiệt độ cao, thời gian dài làm làm giảm vitamin và chất khoáng có trong rau, màu sắc thực phẩm sau khi chế biến không đẹp mắt, mùi vị cũng có phần biến đổi. PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội khuyến cáo, không nên ăn rau xanh đã chế biến quá lâu do hàm lượng nitrat sẽ chuyển hóa thành nitrite – chất chứa nguy cơ gây ung thư và đường ruột.
Giải pháp cho vấn đề này là sử dụng các loại củ, quả luộc để giữ được thành phần dưỡng chất cơ bản. Các loại củ, quả như su su, cà rốt, su hào, củ cải, các loại bí… chứa khá nhiều dưỡng chất, vitamin mà không bị biến chất nhanh sau khi chế biến.
Với những người đem cơm tự nấu đến văn phòng ăn trưa, nên chọn các loại củ, quả này cho hộp cơm đầy đủ dưỡng chất. Các món rau xanh dù được chế biến khéo léo thì khi để trong hộp kín, nhiệt độ cao, chắc chắn sẽ có màu vàng, nhũn, các dưỡng chất, vitamin sẽ không còn. Nên nếu muốn, bạn có thể bổ sung món ăn từ các loại rau ăn lá vào bữa tối.
“Các loại hải sản như hến, trai, ốc, tôm, cua… cũng rất dễ bị biến chất nếu để quá lâu sau khi chế biến. Tốt nhất là không làm các món này cho bữa trưa văn phòng”, PGS.TS Phạm Văn Nho.
Bảo Khánh