Dinh dưỡng cho người sau hiến máu

(khoahocdoisong.vn) - Trong cơ thể có khoảng 4000ml máu, mỗi lần hiến máu chỉ lấy ra 200-400ml theo quy định. Sự bổ sung của các cơ quan tạo máu mới không có gì khó nếu ta biết sử dụng thực phẩm và và thuốc men đúng.

Thịt dê hầm: Mỗi ngày 100-150g thịt dê rửa sạch, thái nhỏ, ướp gia vị hạt tiêu sau 15 phút cho lên xào ngấm gia vị, cho nước vào hầm nhừ thịt dê, cho tiếp 150g gạo nếp vào ninh tiếp. Khi cháo chín nêm gia vị vừa đủ, ăn nóng trong ngày, tuần ăn 3 bữa. Món cháo này có tác dụng bổ khí huyết, tăng cường thể lực.

Súp thịt bò, kỷ tử, táo tầu: 120g thịt bò, rửa sạch thái mỏng ngang thớ. Ướp gia vị gừng, hạt tiêu, 20 phút sau phi tỏi thơm cho thịt bò vào xào cho ngấm gia vị. Cho nước vào ninh thịt bò nhừ, cho tiếp 50g kỷ tử, 50g táo tàu vào hầm tiếp, khi táo chín nêm gia vị vừa đủ, ăn nóng trong ngày, tuần 3 bữa. Món súp thịt bò có tác dụng thúc đẩy tái sinh máu mới, hành khí hoạt huyết.

Xương sống lợn hầm lạc: Mỗi lần dùng 500g xương sống lợn, 100g lạc nhân cho nước vào hầm 1 giờ, cho gia vị vừa đủ ăn trong ngày, ăn cả nước lẫn cái. Tuần ăn 3 bữa. Món này có tác dụng bổ máu, kích thích tái tạo sinh hồng cầu.

Gan lợn xào rau chân vịt: Mỗi lần dùng 150g gan lợn rửa sạch thái mỏng. 250g rau chân vịt, cho dầu vào xào trên lửa to, cho gia vị vừa đủ làm thức ăn. Ngày ăn 1 lần, ăn nóng với cơm hoặc ăn không. Món này có tác dụng sinh huyết và dưỡng huyết.

Cà rốt xào gan lợn: Mỗi lần dùng 250g cà rốt, 250g gan lợn. Gan lợn rửa sạch, thái mỏng, ướp gia vị, hành khô và hạt tiêu, sau 20 phút phi hành thơm trong dầu, xào gan trên ngọn lửa to, cho tiếp cà rốt xào chín tới, nêm gia vị vừa đủ, ăn nóng trong ngày. Tuần ăn 3 bữa. Tác dụng sinh  huyết mới, tạo hồng cầu, bổ huyết và dưỡng huyết.

Những món ăn trên dùng thích hợp nhất sau 2-3 ngày hiến máu. Tùy từng địa phương, tùy từng hoàn cảnh có thể chọn món ăn hợp khẩu vị và dễ tìm . Ngoài món ăn trên có một bài thuốc bổ huyết đơn giản nhưng có tác dụng kết hợp làm nâng cao thể trạng, bổ khí huyết, giúp cơ thể chóng hồi phục, nhanh chóng tái tạo máu.

Bài thuốc gồm: Đương quy 10g, xuyên khung 8g, bạch thược 12g, thục địa 12g. Mỗi ngày 1 thang sắc uống chia làm 3 lần, mỗi lần 1 bát uống ấm.

Theo sách cổ, đương quy có vị cay ngọt, tính ấm, đi vào 3 kinh chính là tâm, can, thận, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt trường, điều huyết, chỉ huyết. Bạch thược có vị đắng, chua, hơi hàn vào 3 kinh can, tỳ, phế, tác dụng dưỡng huyết, liễm âm, hòa can, chỉ thống, tăng cường sức đề kháng khi cơ thể suy nhược, ra nhiều mồ hôi. Xuyên khung có vị cay, tính ôn đi vào 3 kinh can, đởm và tâm bào, có tác dụng dưỡng huyết, bổ khí, chữa đau đầu, ngạt mũi, hắt hơi. Thục địa có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, đi vào ba kinh chính là tâm, can, thận, có tác dụng tri âm, dưỡng huyết, bổ tinh, ích tủy, thông thận tránh thủy.

BS Kim Lan (Vĩnh Hồ, HN)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top