Điều trị tiểu đêm như thế nào?

Nếu tần suất tiểu đêm dày đặc nhưng không có biện pháp can thiệp kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cần biết cách chữa trị càng sớm càng tốt.

Tiểu đêm không phải là vấn đề khẩn cấp nhưng ảnh hưởng đến giấc ngủ, sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu tần suất tiểu đêm dày đặc nhưng không có biện pháp can thiệp kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ảnh hưởng thần kinh: Đi tiểu 2 – 3 lần trong đêm gây mất ngủ kéo dài, ngủ không sâu giấc. Lâu dần, hệ thần kinh sẽ bị ảnh hưởng, trí nhớ sụt giảm, mệt mỏi khi thức dậy buổi sáng.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tim: Tiểu đêm nhiều nhiều lần ở người lớn tuổi làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp, tim mạch do phải thức dậy nhiều lần, giấc ngủ bị gián đoạn.

Tổn thương lâu dài: Tiểu đêm do những bệnh lý liên quan đến tuyến tiền liệt, u xơ tử cung, tiểu đường hay bệnh thận, nếu trì hoãn điều trị có thể gây tổn thương khó hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Do vậy, cần điều trị càng sớm càng tốt.

Thay đổi lối sống

BSCK1 Nguyễn Viết Hiếu, Khoa Tiết niệu dưới, Trung tâm Tiết niệu và Nam khoa, Bệnh viện TWQĐ 108 để phòng ngừa chứng tiểu đêm cần:

Hạn chế uống nước vào ban đêm: Uống nhiều nước trong ngày nhưng hạn chế uống nước từ 2-4 giờ trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế caffein và rượu.

Quản lý việc sử dụng thuốc lợi tiểu: Nếu phải sử dụng thuốc lợi tiểu, uống từ 6 giờ trở lên trước khi ngủ. Điều này sẽ giúp giảm số lần tiểu đêm.

Nâng cao chân hoặc sử dụng tất chuyên dụng: Nếu người bệnh có phù 2 chân, nên nâng cao chân khi ngủ và sử dụng tất đàn hồi có thể hữu ích.

Có những giấc ngủ ngắn buổi chiều: Khi bạn ngủ đêm không ngon giấc, một giấc ngủ ngắn buổi chiều có thể giúp bạn đỡ mệt mỏi. Giấc ngủ ngắn cũng có thể cho phép dịch đi vào lòng mạch. Tuy nhiên, lưu ý đừng ngủ trưa quá nhiều.

Nếu người bệnh bị tiểu dầm gây ướt giường, nên dùng những sản phẩm hỗ trợ như nệm chống thấm, bìa, quần lót thấm hút và các sản phẩm chăm sóc da.

Điều trị bằng thuốc: Nếu thay đổi lối sống không hiệu quả, một số loại thuốc có thể: giúp thận bài tiết ra ít nước tiểu hơn; Điều trị các vấn đề về cơ bàng quang (thuốc kháng cholinergic giúp thư giãn bàng quang nếu bàng quang co thắt; thường được sử dụng cho bàng quang tăng hoạt); Điều chỉnh việc bài tiết nước tiểu và huyết áp cao bằng thuốc lợi tiểu.

Nếu bệnh lý nền dẫn đến chứng tiểu đêm, cần điều trị bệnh đó ổn định thì tình trạng tiểu đêm cũng sẽ đỡ, đặc biệt lưu ý: tiểu đường, huyết áp cao, suy tim sung huyết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Điều trị tiểu đêm như thế nào? ảnh 1

Điều trị tiểu đêm như thế nào?

Món ăn, bài thuốc hỗ trợ

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, Nguyên chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện TƯQĐ 108 nhấn mạnh, theo Y học cổ truyền, chức năng tiểu tiện trong cơ thể chủ yếu do hai cơ quan là Thận và Bàng quang đảm nhiệm.

Y văn có câu: “Thận chủ thủy quản lý sự đóng mở, Bàng quang chủ chứa nước tiểu, cho nên ban đêm tiểu tiện nhiều lần nên trách cứ vào Thận và Bàng Quang”.

Về điều trị, nên chú trọng ôn bổ Thận Dương. Nếu chứng trạng nhẹ, biểu hiện Thận Dương hư không rõ lắm, thường gặp ở người trẻ tuổi mắc bệnh thời gian ngắn, nói chung trách cứ vào vai trò khí hóa của Bàng quang, điều trị nên chú trọng bổ khí và làm vững Bàng quang. Thận muốn khỏe phải bổ thêm Tỳ, cho nên phải kiêm bổ cả Tỳ Thận, cùng một lúc vừa ôn dương vừa cố sáp.

Cần hạn chế uống nước vào buổi tối, trong đó có cả việc giảm ăn canh vào bữa cơm chiều, nhất là các loại canh nấu bằng những thứ rau có tính chất lợi tiểu như rau cải, mướp, bầu...

Chú ý tiểu tiện trước khi đi ngủ, khám và điều trị triệt để các bệnh do nhiễm khuẩn tiết niệu, các bệnh lý mạn tính khác như tiểu đường, u xơ tuyến tiền liệt, sỏi niệu quản…, có thể lựa chọn và sử dụng các món ăn - bài thuốc của y học cổ truyền và các thực phẩm chức năng có công dụng dự phòng và hỗ trợ trị liệu chứng tiểu đêm. Ví như:

- Phá cố chỉ 12g, ích trí nhân 12g, sà sàng tử 8g, thỏ ty tử 12g, khiếm thực 12g, kim anh tử 12, tiểu hồi hương 5g, cam thảo 3g, tất cả đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

- Bồ dục lợn hoặc dê 1 đôi làm sạch, thái miếng rồi đem hầm với khiếm thực 50g, chế đủ gia vị, ăn trong ngày, 7 ngày là 1 liệu trình.

- Bàng quang lợn 1 cái, làm sạch rồi nhét đầy mẫu lệ vào bên trong, buộc kín miệng rồi đem đun trong 15 phút, sau đó bỏ hết mẫu lệ, ăn bàng quang và uống nước dùng, 7 ngày là 1 liệu trình

- Xương sống lợn (còn cả tủy) 3 đốt, hạch đào nhân 30g, đỗ trọng 15g, tất cả đem hầm nhừ, ăn nóng.

- Bạch quả 5 trái, hạt bí đao 30g, hai thứ đem nấu chín ăn, 10 ngày là 1 liệu trình.

Theo VietnamDaily
back to top