Tiểu đêm ở người trưởng thành có phải là bệnh lý?

Khoảng 5-15 % người ở độ tuổi 20-50 đi tiểu 2 lần một đêm, ở độ tuổi từ 50-70 tỉ lệ này khoảng 20- 30% và khoảng trên 50% ở những người có độ tuổi từ 70 trở lên.

Tiểu đêm không chỉ gây mất ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác và tỷ lệ tử vong ở người già.

Bệnh gây tăng các bệnh lý và tử vong

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn Nguyên chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, đi tiểu ban đêm là một hiện tượng khá phổ biến ở người trưởng thành.

Theo định nghĩa của Hiệp hội Niệu khoa Quốc tế, chứng tiểu đêm được hiểu là tình trạng người bệnh phải tỉnh dậy một lần hoặc nhiều lần vào ban đêm để đi tiểu. Hiện tượng này thường được chúng ta chấp nhận như một vấn đề của tuổi tác. Những nghiên cứu dịch tễ học cho thấy không có sự khác biệt rõ rệt về tỉ lệ mắc chứng tiểu đêm giữa nam giới và nữ giới.

Tuy nhiên, có vẻ sự phân bố này lại không đều theo tuổi. Ở những người trẻ tuổi, phụ nữ thường gặp chứng tiểu đêm hơn ở nam giới, nhưng ở những người cao tuổi nam giới lại có xu hướng mắc tiểu đêm nhiều hơn. Nhìn chung, có khoảng 5-15 % người ở độ tuổi 20-50 đi tiểu 2 lần một đêm, ở độ tuổi từ 50-70 tỉ lệ này khoảng 20- 30%, và khoảng trên 50% ở những người có độ tuổi từ 70 trở lên.

Sau khi đi tiểu, người bệnh có thể quay lại giường và ngủ lại bình thường. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp tiểu đêm để lại ảnh hưởng xấu như không thể ngủ trở lại được; buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật vào ban ngày; lo lắng về tình trạng sức khỏe bản thân làm ảnh hưởng đến các hành vi và chất lượng cuộc sống. Thậm chí, các nghiên cứu cũng chỉ ra tiểu đêm là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc kèm các bệnh khác và tỉ lệ tử vong ở người cao tuổi.

Tiểu đêm ở người trưởng thành có phải là bệnh lý? ảnh 1

Tiểu đêm ở người trưởng thành có phải là bệnh lý?

BS.CK1 Nguyễn Viết Hiếu, Khoa Tiết niệu dưới, Trung tâm Tiết niệu và Nam khoa, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, nếu thức dậy để đi tiểu từ hai lần trở lên mỗi đêm, đó là một dấu hiệu rõ ràng của chứng tiểu đêm. Tiểu đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Tiểu đêm là một dấu hiệu cho thấy có điều gì đó rắc rối đang xảy ra trong cơ thể.

Nhiều bệnh lý gây ra

BS.CK1 Nguyễn Viết Hiếu, Nguyên nhân gây ra chứng tiểu đêm có thể do một thói quen như uống quá nhiều chất lỏng trước khi đi ngủ. Hoặc có thể do một số loại thuốc, các bệnh nền khác (như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim) hoặc giảm dung tích bàng quang.

Các nguyên nhân khác gây ra chứng tiểu đêm như:

Đa niệu: Khi cơ thể bài tiết ra quá nhiều nước tiểu trong 24 tiếng.

Đa niệu về đêm: Khi cơ thể bài tiết ra quá nhiều nước tiểu về đêm.

Vấn đề chứa đựng của bàng quang: Khi bàng quang không lưu trữ hoặc thải nước tiểu tốt.

Tiểu đêm hỗn hợp: Khi có nhiều hơn một trong những vấn đề kể trên diễn ra cùng một lúc.

Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, Chứng tiểu đêm thường hay xảy ra ở người trưởng thành, không có sự khác biệt rõ rệt giữa nam và nữ tuy có sự khác nhau về giới tính. Chứng tiểu đêm ở phụ nữ thường liên quan đến việc sinh đẻ, mãn kinh, sa tử cung…Ở nam giới, chứng tiểu đêm thường liên quan đến phì đại, u xơ tuyến tiền liệt…Nhưng cũng có một số nguyên nhân chung dẫn đến chứng tiểu đêm như:

1- Do các bệnh lý tại đường tiết niệu như nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận hoặc các bệnh lý thận mạn tính khác, rối loạn chức năng bàng quang, sỏi bàng quang, hẹp bàng quang bẩm sinh, tăng tạo nước tiểu vào ban đêm vì các nguyên nhân khác nhau, rối loạn phản xạ thần kinh điều khiển bài niệu ở bàng quang...

2- Do sử dụng các thuốc lợi niệu, thuốc chẹn Canxi, uống nhiều rượu, cà phê, trà đặc. (3) Do các bệnh lý mạn tính như đái tháo nhạt, đái tháo đường, huyết áp cao, suy tim, rối loạn giấc ngủ...

Theo Y học cổ truyền, chức năng tiểu tiện trong cơ thể chủ yếu do hai cơ quan là Thận và Bàng quang đảm nhiệm. Y văn có câu: “Thận chủ thủy quản lý sự đóng mở, Bàng quang chủ chứa nước tiểu, cho nên ban đêm tiểu tiện nhiều lần nên trách cứ vào Thận và Bàng Quang”.

Đối với người trẻ tuổi khỏe mạnh, âm dương cân bằng và đầy đủ thì ban đêm ít tiểu tiện. Khi tuổi cao, ban đêm đi tiểu tiện nhiều, đó là thủy hỏa đều bất túc. Chứng đi tiểu tiện nhiều vào ban đêm ở người cao tuổi phần lớn là do Thận Dương hư yếu. Vả lại ban ngày là dương, ban đêm là âm, ban đêm âm thịnh dương suy, cho nên ban đêm tiểu tiện nhiều lần thực là do Dương khí suy yếu gây nên.

Theo VietnamDaily
back to top