Hãy sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên
Bắt đầu từ ngày 15/6, các thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1.
Năm nay, thí sinh vẫn được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 1 lần (sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT). Thời gian điều chỉnh nguyện vọng bắt đầu từ ngày 9 - 16/9 với hình thức trực tuyến và từ 9 - 18/9 điều chỉnh nguyện vọng với hình thức điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển.
Các thí sinh phúc khảo bài thi/môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả phúc khảo thi tốt nghiệp THPT.
Việc sắp xếp nguyện vọng ra sao, và khi có điểm thi tốt nghiệp THPT thì sẽ thay đổi nguyện vọng thế nào là mối quan tâm lớn của các thí sinh.
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ, các em sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên dựa trên sở thích và năng lực của mình.
Trong đó, nguyện vọng 1 sẽ là ngành mà mình yêu thích nhất, nhưng đồng thời cũng phải đánh giá đúng năng lực của mình có đạt được hay không, sau đó mới là đến nguyện vọng 2 và 3.
Và bởi vì khi trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi thì sẽ không thể vào được nguyện vọng 2 nữa, cho nên, việc cân nhắc khi sắp xếp lại càng phải thận trọng, tránh nuối tiếc trong trường hợp ngành yêu thích lại đặt xuống những nguyện vọng sau.
Năm nay, đối với Trường Đại học Giao thông vận tải, qua việc tư vấn tuyển sinh thì thấy các em có sự quan tâm tới các ngành thuộc “phần cứng” như chế tạo máy, kỹ thuật máy tính… chứ không phải chỉ phần mềm như trước đây.
Những ngành này thực sự cũng sẽ là những cái gốc cho công nghệ 4.0 còn phần mềm sẽ chỉ là "phần ngọn". Bởi cái gốc vẫn phải là các ngành nghề chuyên môn. Khi các em giỏi các ngành nghề chuyên môn, sau đó áp dụng phần mềm vào thì mới thực sự là 4.0.
Để phát triển kinh tế xã hội thì cũng vẫn phải đầu tư vào hạ tầng, kỹ thuật, sản xuất. Và đó cũng sẽ vẫn là những ngành nghề tương lai trong 5 - 10 năm tới.
Hiện nay, cơ hội vào các trường đại học không khó như trước đây. Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là các em phải giữ gìn sức khỏe, ôn tập cho tốt để có điểm thi tốt nghiệp THPT cao.
Khi có điểm thi tốt nghiệp THPT cao thì các em như có tiền đi chợ, có thể chọn bất cứ ngành nào em thích. Ví dụ, các em đạt được 29 điểm, thì sẽ có cơ hội chọn rất nhiều ngành tốt, ở trường nào cũng được.
Lựa chọn ngành không nhất thiết phải đi đường thẳng
Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thanh Chương về việc chọn ngành nghề của thí sinh, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, lựa chọn theo sở thích, đam mê là số 1. Tuy nhiên, còn phải tùy vào năng lực của mình.
PGS.TS Trần Văn Tớp chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2020 tổ chức tại Đại học Bách khoa, Hà Nội. Ảnh: KH&ĐS. |
Ví dụ như điểm thi của mình dự báo chỉ ở khoảng 22 - 23 điểm, mà lại thích vào ngành mọi năm lấy 27 – 28 điểm thì phải cân nhắc.
Tuy nhiên, nếu thực sự có đam mê vào ngành đó, thì vẫn theo đuổi, nhưng không nhất thiết cứ phải đi đường thẳng, mà có thể chọn đường vòng.
Ví dụ, nếu thích vào Công nghệ thông tin, nhưng điểm vào ngành đó lại quá cao, thì tại Đại học Bách khoa, các em có thể chọn Khoa học công nghệ vật liệu cũng là một ngành tốt, sau đó và chọn học song bằng, bằng kép là công nghệ thông tin. Đương nhiên sẽ vất vả hơn, nhưng ra trường có hai bằng sẽ có ưu thế hơn rất nhiều.
“Mới đây, tôi vừa trao đổi với một bạn tốt nghiệp Trường Cao đẳng Bách khoa ra, hiện nay đang làm chủ một doanh nghiệp rất lớn về ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng. Như vậy, nếu các em có bằng công nghệ thông tin tay trái, và một bằng nền tảng tay phải, và các em có chí, thì đi vòng một chút, thậm chí còn tốt hơn người đi thẳng”, ông Tớp nói.
Đặc biệt, theo ông Tớp, điều quan trọng nhất, sau này các em trưởng thành, kiến thức học trong trường chỉ là một phần. Để thành công, cần kèm theo nhiều thứ rất quan trọng, ví dụ như kỹ năng, thái độ… Đó là những thứ các em phải trau dồi, rèn luyện.
Khi điều chỉnh nguyện vọng các thí sinh cần lưu ý, nếu điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến, thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng. Phương thức này chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển (mà thí sinh đã đăng ký vào thời gian từ 15 - 306).
Nếu điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định.
Thí sinh phải điền đầy đủ thông tin vào phiếu đăng ký xét tuyển đại học 2020 và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ để cán bộ máy tính cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Các điểm nhận hồ sơ của thí sinh cần lưu ý các thí sinh ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại.