Điểm mặt vị thuốc tên Hổ, Hùm

Có nhiều cây thuốc, vị thuốc quanh ta mang tên loài vật oai hùng có tác dụng chữa rất nhiều bệnh.

Hổ nhĩ thảo: Tên khác Cỏ tai hùm. Tên khoa học Saxifraga stolonifera Meerb. Họ Tai hùm (Saxifragaceae). Cây không có thân, phủ đầy lông mịn. Lá mọc thẳng từ rễ, phiến lá hình thận, hơi dày đường kính 2 - 5cm, gốc lõm sâu, đầu tù, mép khía răng nông, mặt trên có lông màu hung, mặt dưới màu đỏ có đốm trắng loang lổ trông như tai hổ. Cuống lá rất dài phủ đầy lông.

Cây mọc hoang trên núi cao như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng... Bộ phận dùng làm thuốc: Lá thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

Hổ nhĩ thảo thường được dùng chữa bệnh ho ra máu, viêm phổi, áp xe phổi... Liều dùng 9 - 12g lá khô sắc nước uống.

ho-nhi-thao.jpg
Cây hổ nhĩ thảo.

Hổ thiệt (lô hội, nha đam). Tên khoa học: Aloe vera L.var. chinensis (Haw.) Berger. Họ: Lô hội (Asphodelaceae).

Cây nhỏ sống lâu năm, thân ngắn hóa gỗ. Lá không cuống mọc áp sát vào nhau, phiến rất dày, mọng nước, dài 20 - 30cm, rộng 2 - 3cm, mặt trên phẳng có nhiều đốm trắng, mặt dưới khum, mép có gai thưa và cứng, đầu lá nhọn.

Cây sau khi trồng được trên 10 tháng có khoảng 10 lá thì có thể lấy lá già dùng tươi để làm thuốc (hái đến lá thứ 7 thì dừng). Cắt lá sát thân, rửa sạch rồi lấy gel (trong như thạch) để dùng. Trước khi dùng cần thử xem có bị dị ứng không, bằng cách bôi gel tươi lên mặt trong tay (chỗ da mỏng) chờ 10 phút nếu không có phản ứng (đỏ da) là dùng được.

Dùng ngoài: Bôi gel tươi lên da để chữa muỗi đốt, bỏng nông, da khô, nẻ, tóc khô, viêm da tăng tiết bã nhờn, mẩn ngứa, nhiễm nấm, trứng cá, vẩy nến… (trẻ em 1 tuổi trở lên và người lớn).

Dùng trong: Ngậm gel tươi và nuốt nước để chữa các bệnh răng miệng như khô miệng, viêm lợi, đau buốt răng… Nuốt gel tươi để chữa táo bón, viêm dạ dày (ngày 3 - 4 lần x 10g).

nha-dam.jpg
Cây hổ thiệt.

Hổ trượng căn: Tên khác: Cốt khí củ, Điền thất... Tên khoa học: Reynoutria japonica Houtt. Họ Rau răm (Polygonaceae).

Cây nhỏ sống lâu năm, rễ phình thành củ cứng. Thân hình trụ nhẵn có đốm màu tím hồng, cây mọc thẳng đứng cao 0,5 - 1m. Lá hình trứng đầu hơi nhọn, mọc so le, mép nguyên, mặt trên màu lục sẫm.

Hổ trượng căn dùng chữa phong thấp tê bại, đau nhức xương cốt, thương tích chảy máu, ứ máu. Ngày dùng 8 - 20g dạng thuốc sắc.

Hổ vĩ mép lá vàng: Tên khác: Đuôi hổ, Lưỡi cọp sọc vàng... Tên khoa học: Sansevieria trifasciata Prain var. laurentii N.E. Brown. Họ Thùa (Agavaceae).

Cây thảo có thân rễ mọc ngang cao 30 - 50cm. Lá hình dải dẹp dày và cứng, mép nguyên có viền vàng, 2 mặt có những vân ngang màu sẫm, trông giống đuôi hổ.

Công dụng: Chữa ho, viêm họng, khản tiếng. Hái lá non sát tận gốc, rửa sạch. Cắt thành khúc nhỏ. Lấy 1 khúc đập dập thêm vài hạt muối nhai và ngậm, nuốt nước dần dần trong 10 phút rồi nhổ bã. Ngày dùng 3 - 4 lần như vậy (khoảng 8 - 10g lá tươi) dùng liên tục đến khi khỏi bệnh.

Chữa viêm tai có mủ: Hái lá non tươi rửa sạch, hơ lửa cho héo, giã nát, ép lấy nước, thấm vào bông tăm bôi vào trong tai viêm, mỗi giờ bôi 1 lần đến khi khỏi.

Cỏ tai hùm: Tên khác: Cúc hôi, Ngải dại, Lưỡi hùm, Thương lão… Tên khoa học: Conyza canadensis (L) Cronq. Họ Cúc (Asteraceae).

Cây thảo cao 1 - 1,5m, thân thẳng, phân nhánh ở nửa trên, có lông màu trắng. Lá mọc so le hình mác dài 10cm, rộng 2 - 3cm, hai mặt đều có lông. Lá, hoa khi vò ra có mùi thơm nhẹ. Cây thường mọc gần như khắp nơi ở nước ta.

Toàn cây cỏ tai hùm đều được dùng làm thuốc. Ngọn non cỏ tai hùm giã nát đắp ngoài để cầm máu, chữa vết thương sưng tấy. Lá giã nát lấy nước chữa lang ben ngày bôi 3 lần kết quả rất tốt.

Lưỡi hùm: Tên khác: Đơn lưỡi hổ, Cam sũng, Lưỡi cọp… Tên khoa học: Sauropus rostratus Miq. Họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Cây bụi nhỏ cao 40cm. Thân tròn cứng, lá mọc so le, cuống ngắn, phiến lá hình mũi mác dạng trứng ngược, dài 5 - 8cm, rộng 2,5 - 3cm, mép nguyên, mặt trên màu lục sẫm có những vân màu xám trắng trông như lưỡi hổ.

Cây được trồng làm cảnh (kết hợp làm thuốc) do lá có vân đẹp và xanh tốt quanh năm. Bộ phận dùng làm thuốc: lá tươi.

Công dụng: Chữa ho khan, viêm khí quản cấp tính. Chữa trẻ em bị cam sũng, dị ứng, mày đay.

don-luoi-ho.jpg
Cây lưỡi hùm.

Râu hùm hoa tía: Tên khoa học: Tacca chantrieri Andre. Họ râu hùm (Taccaceae).

Cây thảo sống lâu năm, cao 50 - 80cm Thân bò dài có nhiều đốt. Lá mọc thẳng từ thân rễ, phiến lá hình trái xoan nhọn, dài 20 - 60cm, rộng 10 - 20cm, màu lục bóng, mép nguyên lượn sóng. Cuống lá dài 10 - 30cm. Cây mọc nơi ẩm ướt ven rừng.

Công dụng: Thân rễ dùng ngoài chữa thấp khớp.

Vuốt hùm: Tên khác: Móc mèo, móc diều, điệp mắt mèo, trần sa lực… Tên khoa học: Caesalpinia minax Hance. Họ Vang (Caesalpiniacae).

Cây nhỏ, leo trườn, mọc thành bụi dày, có nhiều gai sắc và lông ngắn màu vàng. Lá kép 2 lần lông chim chẵn, cuống dài có nhiều gai và lông. Quả hơi dẹt, phủ đầy gai. Hạt hình cầu, mầu đen, có vỏ cứng dày.

Vuốt hùm là cây ưa sáng, chịu khô hạn, thường mọc ở ven rừng thứ sinh hoặc được trồng làm bờ rào ở các tỉnh miền núi nước ta. Bộ phận dùng làm thuốc: Lá, rễ thu hái quanh năm; Hạt lấy khi quả già phơi khô.

Công dụng: Rễ vuốt hùm chữa phong thấp, đau nhức xương, viêm ruột, kém ăn, kém ngủ. Lá dùng ngoài chữa rắn cắn. Hạt làm bột để chữa đau nhức (giảm đau) cầm máu, chữa sốt cao, làm thuốc bổ.

Liều dùng: 0,5 - 1g/lần, ngày uống 2 - 3 lần. Hạt để nguyên, mang theo người khi đi rừng để phòng rắn cắn. Nếu bị rắn cắn đặt ngay hạt vuốt hùm vào vết cắn, hạt sẽ hút bớt nọc độc ngay, sau đó đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Theo Đời sống
back to top