Gạo nếp cũng là vị thuốc

(khoahocdoisong.vn) - Gạo nếp được trồng phổ biến ở nước ta và nhiều nước trong khu vực. Gạo nếp có vị ngọt, tính ấm, vào ba kinh tỳ, vị và phế.

Gạo nếp bổ trung ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế chỉ hãn. Chữa trị các chứng hư lao tiết tả do tỳ vị hư nhược, vị quản thống, tự hãn, đạo hãn, huyễn vựng.

Gạo nếp chứa protein cao hơn 6,8%, chất béo cao hơn 20%. 100g gạo nếp có tới 1,2mg sắt, do đó chúng được khuyên sử dụng cho phụ nữ sau khi sinh.

Gạo nếp còn có chứa nhiều chất xơ không hoà tan, tốt cho tiêu hóa. Vitamin E và dưỡng chất trong cám gạo nếp được Đông y tận dụng chữa tê phù và chứng nghẹn, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho da. Gạo nếp còn có tính ấm, vị ngọt, dễ tiêu hoá, giúp làm ấm bụng. Dưới đây là một số bài thuốc từ gạo nếp.

- Chữa viêm loét dạ dày - tá tràng: Gạo nếp sao vàng, mai mực, cam thảo, mẫu lệ nung, hoàng bá, kê nội kim mỗi thứ 50g, làm khô, xay bột mịn, ngày uống 20 - 30g với nước ấm. Nước sắc đặc gạo nếp rang uống thay nước mỗi ngày để chống mất nước, háo khát trong trường hợp tiêu chảy.  

- Chữa xót ruột: Gạo nếp sao vàng, đậu xanh liều vừa đủ nấu cháo ăn.

- Chữa phụ nữ sau sinh thiếu sữa: Gạo nếp sao vàng, móng giò heo 1 cái, gia vị, mắm muối nấu cháo ăn.

- Chữa chứng ho ra máu: A giao 60g, gạo nếp 40g, mã đậu linh 20g, ngưu bàng tử 10g, chích thảo 10g, hạnh nhân 6g. Các vị tán mịn, mỗi lần uống 8g, hoặc sắc uống. Tác dụng dưỡng âm bổ phế, chỉ khái huyết.

Nhu mễ (cơm nếp) nóng để chườm làm thông tắc tia sữa cho sản phụ, cơm nếp nguội giã nhuyễn trộn với bột thuốc để bó gãy xương và bong gân, ủ men chế cơm rượu hoặc cất rượu nếp cái hoa vàng để ngâm rượu trứng và rượu thuốc để bồi bổ sức khỏe.

Nước vo gạo (mễ trấp): Dùng nước vo gạo, loại mới vo của gạo tẻ, nếp đều được, làm phụ liệu để tẩm vào thuốc (bạch truật), nhằm tăng tác dụng kiện tỳ, giảm tính háo của vị thuốc. Ngạnh mễ hay còn gọi là gạo, sao hơi vàng, có tác dụng sinh tân, chỉ khát, giúp cơ thể giảm mệt mỏi khi sốt cao mà mồ hôi ra nhiều.

Cơm nếp chứa nhiều amilopectin tạo nên độ dẻo đặc trưng nhưng lại rất khó tiêu cho nên trẻ nhỏ, người già, người mới ốm dậy, người tỳ vị quá hư nhược không nên ăn nhiều.

Lương y Nguyễn Văn Sáu (Trung tâm Y tế Bà Rịa)

Theo KH&ĐS
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top