Nhiều người cho biết ăn gạo nếp bị đầy bụng, khó tiêu, no lâu nên hạn chế, thậm chí là kiêng không ăn. Quan điểm này là rất sai lầm.
Ngâm 2 – 3 ngày hết khó tiêu, đầy bụng
PGS. TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đều là gạo nên về thành phần dinh dưỡng, gạo nếp và gạo tẻ gần như tương đương nhau.
Nhiều người cho biết ăn xôi, cơm nếp… cảm thấy no lâu hơn so với ăn cơm tẻ là do đặc tính dẻo và dính của gạo nếp (do bản chất hạt dẻo, dính nên cơm nếp, xôi vô tình bị nén xuống trong khi bát cơm tẻ lại có độ rời rạc vì vậy ăn một bát cơm nếp, xôi thường no hơn so với một bát cơm tẻ).
Còn về việc ăn gạo nếp đầy bụng, khó tiêu là do cấu tạo tinh bột của gạo nếp và tinh bột gạo tẻ khác nhau. Gạo tẻ có cấu tạo tinh bột dạng sợi trong khi đó gạo nếp có cấu tạo tinh bột dạng nhánh. Tinh bột dạng nhánh thường chắc và khó chia cắt nên khi ăn chúng ta dễ có cảm thấy no lâu, khó tiêu, thậm chí nhiều người còn có hiện tượng ợ chua.
Người Thái, người Lào ăn gạo nếp quanh năm, và vì họ ăn quanh năm, ăn từ đời này sang đời khác, ăn từ trong bụng mẹ nên quen không cảm thấy đầy bụng hay ợ chua. Với người dân Việt Nam, quen ăn gạo tẻ, khi ăn gạo nếp mới cảm thấy đầy bụng, khó tiêu hơn gạo tẻ.
Để tránh việc ợ chua, khó tiêu lại vừa đảm bảo món ăn chế biến từ gạo nếp ngon có một cách rất đơn giản là trước khi chế biến, chúng ta hãy ngâm gạo trong nước từ 2 -3 ngày. Cách thực hiện rất đơn giản là một gạo chín nước (cứ một bát gạo thì ngâm với chín bát nước).
Ngâm hết ngày thứ nhất thì đãi gạo và đổ nước đi, sau đó lại cho nước mới vào. Ngâm như thế hết ngày thứ hai, ngon hơn và kiên trì hơn thì ngâm hết ngày thứ 3, sau đó để ráo nước và chế biến món ăn. “Nhiều người lo ngại ngâm gạo lâu sẽ khiến gạo bị hỏng. Bạn đừng lo điều này.
Thực tế ngâm xong hạt gạo nếp trắng, nở, thổi xôi hay gói bánh chưng đều rất ngon, hạt gạo rền, dẻo. Và đặc biệt là khiến người ăn không bị đầy bụng, khó tiêu. Làm cách này, bạn có thể ăn gạo nếp cả ngày, cả tháng, thậm chí quanh năm mà không bị khó chịu hay đầy bụng”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan nhấn mạnh.
PGS. TS Nguyễn Văn Hoan: “Do có thành phần dinh dưỡng tương đương như cơm tẻ nên việc ăn nhiều hay ăn ít các món ăn chế biến từ gạo nếp phụ thuộc vào thói quen, sở thích chứ không liên quan đến sức khỏe, bạn có thể ăn bao nhiêu tùy thích”.
Đừng lo gạo nếp bị “hồ”
Gạo nếp thường là gạo có mùi thơm rất dễ chịu. Tuy nhiên, nhiều người lo gạo bị ngâm tẩm hóa chất tạo mùi thơm.
Về nỗi lo này, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan khẳng định: “Gạo mà ngâm tẩm hóa chất thì phải có người ngộ độc. Nhưng, tôi chưa thấy trường hợp nào bị ngộ độc vì gạo cả. Việc tạo ra hương liệu có mùi giống với mùi thơm thật của gạo là cực khó. Không chỉ Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng chưa làm được.
Trong việc dùng chất tạo mùi tôi cho rằng phổ biến nhất là việc dùng cây cơm nếp giã nhỏ rồi “hồ” vào gạo.
Cách này cũng chủ yếu áp dụng với các loại gạo nếp, đặc biệt là các loại nếp đặc sản như Nếp cái Hoa vàng để làm tăng mùi thơm của hạt gạo. Việc làm giả mùi này thực tế chỉ nhằm bán gạo giá cao chứ không gây ảnh hưởng tới sức khỏe bởi lá cây cơm nếp là an toàn.”
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, muốn nhận biết gạo nếp bị “hồ” lá cây cơm nếp có thể sử dụng biện pháp khá thủ công là lấy một cốc nước ấm, đổ gạo vào và vo. Sau khi vo, mùi thơm của gạo không còn thì đấy là gạo đã bị hồ vì hồ thơm đã tan trong nước.
Sơn Hà