Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kết thúc thời gian điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2021, cả nước có hơn 45% thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thực hiện điều chỉnh nguyện vọng. Số lượng nguyện vọng được điều chỉnh tăng thêm hơn 84.500 nguyện vọng. Việc điều chỉnh nguyện vọng tác động ra sao đến xu hướng chọn ngành học, điểm chuẩn các trường sẽ biến động thế nào sau khi điều chỉnh nguyện vọng là vấn đề đang được nhiều thí sinh quan tâm.
Thông tin tại Tọa đàm trực tuyến “Dự báo điểm chuẩn và chuẩn bị nhập học” diễn ra hôm nay (9/9), TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định, tính về tỉ lệ học sinh điều chỉnh nguyện vọng năm nay cũng xấp xỉ những năm trước đây, khoảng 45%, tức là ở mức khá cao, cho thấy kết quả điểm thi tác động khá nhiều đến quyết định đăng ký và thay đổi nguyện vọng của thí sinh.
Đến thời điểm này, cả nước cũng mới có gần 80.000 học sinh xác nhận nhập học theo các phương thức khác, chiếm khoảng 10% số học sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, có nghĩa, số lượng học sinh tiếp tục xét tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp rất lớn xấp xỉ khoảng 700.000 thí sinh. Điều này cho thấy phương thức xét điểm thi tốt nghiệp vẫn là lựa chọn của phần lớn học sinh và là phương thức quan trọng của nhiều trường đại học.
Bộ GD-ĐT không công bố chi tiết sự điều chỉnh nguyện vọng của học sinh, nhưng với xu thế điều chỉnh ở những năm vừa rồi cho thấy số lượng nguyện vọng tăng thêm không phải là quá nhiều, chỉ khoảng hơn 2% tổng số nguyện vọng đã đăng ký. Dự đoán sự điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh chủ yếu ở thay đổi tổ hợp xét tuyển hoặc thứ tự nguyện vọng.
“Năm 2020 mức điểm thi khá cao so với năm trước, khi điều chỉnh nguyện vọng có một số thí sinh đã điều chỉnh sang những ngành thu hút thí sinh nên hệ quả là năm 2020 có một số thí sinh điểm cao nhưng không trúng tuyển vào trường nào. Hi vọng là năm nay không có sự chuyển dòng nguyện vọng của thí sinh từ trường này sang trường khác hay từ ngành này sang ngành khác”, TS Nguyễn Đức Nghĩa phân tích.
Riêng với khối ngành sức khỏe, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, hiện nay, số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký vào các ngành thuộc này là bao nhiêu đang là bí mật. Do vậy, rất khó đưa ra điểm chuẩn 2021. Điểm sàn khối sức khoẻ không tăng so với 2020 nhưng điểm thi của thí sinh cũng chỉ tăng nhẹ, do vậy điểm chuẩn của các trường Y dược nếu có tăng cũng chỉ tăng nhẹ.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng, nếu không có điều kiện ràng buộc khi điều chỉnh tăng thêm nguyện vọng, thí sinh phải điều chỉnh bằng giấy trong điều kiện dịch bệnh, chắc chắn số nguyện vọng tăng thêm sẽ cao hơn nữa.
Nói về điểm chuẩn của ĐH Nông lâm TP.HCM năm nay, TS Trần Đình Lý cho biết, năm nay chỉ tiêu dành cho xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT khoảng 70%, dự báo điểm chuẩn năm nay vẫn khá ổn định, một số ngành "hot" có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt điểm chuẩn các ngành khó tuyển và 2 phân hiệu Gia Lai, Ninh Thuận vẫn sẽ tương đương năm 2020.
Với ĐH Luật TP.HCM, Ths Lê Văn Hiển- Phó Trưởng phòng Đào tạo cho biết, năm nay trường xét tuyển đại học theo 2 phương thức chính gồm xét tuyển thẳng, ưu tiên và xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 2021.
Tính đến hết ngày 3/9, căn cứ kế hoạch tuyển sinh của Trường và hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ đại học năm 2021 của Bộ GD-ĐT, Trường đã xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng được 695 thí sinh theo phương thức 1 (đạt 33,1%/ tổng chỉ tiêu) cho 5 ngành học là: ngành Luật, ngành Luật Thương mại quốc tế, ngành Quản trị - Luật, ngành Quản trị kinh doanh và ngành Ngôn ngữ Anh - chuyên ngành Anh văn pháp lý.
Với chỉ tiêu còn lại khoảng 67%/tổng chỉ tiêu của năm 2021, dự báo điểm chuẩn vào Trường Đại học Luật TP.HCM dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ có mức tăng khá so với năm 2020, trong đó một vài ngành là thế mạnh của Trường sẽ có mức điểm chuẩn tăng mạnh.
Không còn nhiều cơ hội trong đợt xét tuyển bổ sung
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, trong đợt 1 xét tuyển lần 1 theo điểm thi THPT đã gần như khép lại năm tuyển sinh 2021. Sau đợt này chỉ còn một số ít trường còn thiếu chỉ tiêu tiếp tục xét tuyển bổ sung, hoặc bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, hoặc bằng học bạ THPT.
“Cũng cần nói thêm là dù ĐH Quốc gia TP.HCM có dự tính tổ chức đợt 2 kỳ thi Đánh giá năng lực, nhưng đến thời điểm này có lẽ cũng quá muộn để tổ chức kỳ thi này. Trong những đợt xét tuyển bổ sung sau ngày 26/9, các thí sinh trước đây không, hoặc chưa đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp thì nay có thể dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển vào những trường ĐH còn xét tuyển bổ sung.
Đến những đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh không còn nhiều khả năng để kén cá chọn canh vì lúc này chỉ còn ít chỉ tiêu, khoảng 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, tập trung ở những trường ít thu hút học sinh và những ngành khó tuyển”, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết./.