Mới đây, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố 3 phương thức tuyển sinh đại học cho năm 2021.
Theo đó, năm nay, phương án tuyển sinh đại học chính quy của Trường giữ ổn định như năm trước với 3 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp môn truyền thống; Xét tuyển tài năng, bao gồm xét tuyển thẳng và xét hồ sơ học tập kết hợp với phỏng vấn (đối với học sinh các trường chuyên); Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ kiểm tra tư duy do Trường tổ chức (thời điểm sau kỳ thi tốt nghiệp THPT).
Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại 3 địa điểm của miền Bắc. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 8.000 - 10.000 thí sinh.
Thí sinh dự thi Bài thi tổ hợp trong 180 phút, gồm 2 phần: Phần bắt buộc, gồm Toán (trắc nghiệm, tự luận) và Đọc hiểu (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 120 phút; Phần tự chọn (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 60 phút.
Nội dung bài thi đánh giá tư duy nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo. Phần toán sẽ bao gồm cả trắc nghiệm khách quan và tự luận
Đọc hiểu với nội dung chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ sẽ đánh giá kỹ năng đọc và năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản.
Năm ngoái, điểm chuẩn nhiều ngành của Trường rất cao, chạm ngưỡng 29,4. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, điểm chuẩn cao do nhu cầu học, chất lượng đào tạo và danh tiếng của Nhà trường đối với thị trường lao động trình độ cao, số lượng thí sinh giỏi đăng ký rất cao tạo ra sự cạnh tranh lớn. Đặc biệt, trong nhóm ngành đào tạo liên quan trực tiếp đến "cách mạng công nghiệp 4.0" về Công nghệ thông tin và Tự động hóa, Cơ điện tử.
Năm nay, dự báo mức điểm chuẩn trúng tuyển sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ tùy theo ngành đào tạo. Thí sinh có thể tham khảo mức điểm chuẩn năm 2020 để cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng hợp lý (sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi).
Một số ngành truyền thống như Kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ Dệt-May, Kỹ thuật Nhiệt hay Kỹ thuật Vật liệu sẽ có nhu cầu lớn trong tương lai về nhân lực. Các em thí sinh nên cân nhắc chọn lựa đăng ký ngành đào tạo phù hợp giữa nguyện vọng và năng lực học tập (kết quả thi) để có một cơ hội trúng tuyển cao.