Thêm 1 bài thi khoa học tự nhiên
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị duy nhất tổ chức kiểm tra tư duy trong kỳ tuyển sinh năm 2020. Kết quả bài thi này được tính là một đầu điểm trong tổ hợp xét tuyển kết hợp của trường. Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường sẽ tiếp tục sử dụng bài kiểm tra tư duy để làm căn cứ xét tuyển trong kỳ tuyển sinh năm 2021. Ông nói rằng, bài kiểm tra tư duy năm 2020 đã đạt được những kết quả nhất định; bài đọc hiểu của đề thi được dư luận đánh giá cao, thông qua đề thi có thể biết được thí sinh nhìn nhận như thế nào về ngành nghề mình dự định theo học.
Thêm vào đó, trong bài thi tư duy, môn Toán có thêm phần tự luận để lý giải xem thí sinh làm bài đó như thế nào. Có thể thí sinh không làm ra kết quả đúng nhưng lại biết cách lý giải phương pháp làm, từ đó có thể nhận thấy rõ được tư duy của thí sinh.
Ông Điền cho biết, năm 2021, bài thi tư duy, đọc hiểu sẽ mở rộng thêm một số chủ đề khác, nhưng vẫn xoay quanh kỹ thuật, công nghệ là chính. Cũng sẽ có những bài liên quan văn hoá, xã hội để kiểm tra việc đọc hiểu và nhận thức chung của thí sinh. Bài thi này là không có đề tủ, nên thí sinh không thể học thêm, học tủ. Trường cũng sẽ bổ sung một môn khoa học tự nhiên (thí sinh có thể chọn một trong hai bài: Lý - Hóa hoặc Hóa - Sinh) vào đề thi để tận dụng kiến thức sinh học được trong 3 năm THPT.
Ông Điền khẳng định, năm 2021, trường vẫn đưa ra 3 phương thức xét tuyển: xét theo hồ sơ tài năng (học sinh trường chuyên, lớp chuyên và có học lực giỏi, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đạt giải thưởng cao trong kì thi cấp tỉnh về các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh); xét tuyển kết hợp dựa trên kết quả bài thi kiểm tra tư duy; xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường sẽ có điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, bởi số lượng chỉ tiêu cho phương thức này sẽ giảm nếu làm tích cực 2 phương án xét tuyển thẳng và xét thông qua bài thi tư duy.
Tại khu vực phía Nam, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, cho biết, ĐH Quốc gia TPHCM tiếp tục giữ ổn định kỳ thi đánh giá năng lực như năm 2020.
Cụ thể, ĐH sẽ tổ chức kỳ thi thành 2 đợt trong năm, vào trước và sau kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Ông Chính khẳng định, thí sinh yên tâm học tập theo những gì đã dự định từ trước vì ĐH Quốc gia TPHCM không điều chỉnh, không thay đổi nội dung đề thi đánh giá năng lực.
Các trường nên phối hợp cùng tổ chức thi
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, với quan điểm về tự chủ tuyển sinh, các trường hoàn toàn có thể áp dụng các phương thức xét tuyển mới: điểm học bạ, xét kết hợp giữa học bạ và điểm thi THPT quốc gia... “Tổ chức được kỳ thi đánh giá năng lực theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ rất tốt, nhưng cần phải có lộ trình, cần có kế hoạch ôn tập, nội dung kến thức cụ thể; tránh trường hợp gấp gáp, đẩy thí sinh vào thế bị động”, ông nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải, các trường ĐH chuyên ngành khó có thể tổ chức một kỳ thi tuyển sinh độc lập. Cách tốt nhất là các trường cùng nhóm ngành có thể phối hợp cùng nhau tổ chức kỳ thi, tận dụng được nguồn lực, vị trí địa lý của họ.
Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, nhóm trường ĐH Y dược từng lên kế hoạch tổ chức một kỳ thi tuyển sinh dành riêng cho nhóm. ĐH Quốc gia Hà Nội và trường ĐH Ngoại thương cũng dự định phối hợp tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Nhưng vì nhiều nguyên nhân nên không thực hiện. Trong thông báo mới nhất, trường ĐH Ngoại thương khẳng định, năm 2021, tuyển sinh của trường sẽ như năm 2020.
Bộ GD&ÐT khẳng định, năm 2021, tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ thực hiện quyền tự chủ. Các trường đại học tiếp tục sử dụng các phương thức: tuyển thẳng theo các điều kiện được quy định, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, từ kết quả học tập THPT (điểm học bạ), từ điểm thi do các trung tâm khảo thí có uy tín được Bộ công nhận hoặc do tổ chức khảo thí uy tín của nước ngoài đánh giá và kết hợp giữa các phương thức trên.