Dị ứng thức ăn là phản ứng của cơ thể đối với một số chất có trong thức ăn. Theo thuật ngữ chuyên môn, các chất này được gọi là dị nguyên. Những dị nguyên (protein) phổ biến nhất là sữa bò, sữa đậu nành, trứng, hạt lạc, lúa mỳ, đậu tương, cá, tôm cua... Với 2 - 4% người lớn và 6-8% trẻ em, dị ứng thức ăn xuất hiện ở trẻ nhỏ nhiều hơn người lớn và tỷ lệ này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên.
Khi biết nguyên nhân dị ứng với một loại thức ăn nào đó, ta nên loại bỏ nó ra khỏi thực đơn. Không nên chế biến hoặc đựng thức ăn trong các dụng cụ có dính các thức ăn mà là nguyên nhân gây ra dị ứng. Loại trừ khỏi chế độ ăn các thức ăn gây dị ứng là biện pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, nhằm giảm bớt mức độ và ngăn ngừa sự tái xuất hiện của các phản ứng dị ứng.
Một số thức ăn có mẫn cảm chéo với các thức ăn gây dị ứng cũng cần được loại trừ khỏi bữa ăn của trẻ như sữa dê với sữa bò, thịt bò (thịt bê) với thịt cừu thường mẫn cảm chéo với nhau trong 50 - 90% trường hợp, giữa các loại cá, các loại đậu cũng thường có mẫn cảm chéo với nhau. Trong những trường hợp dị ứng nhẹ, việc giảm bớt các thức ăn gây dị ứng trong chế độ ăn cũng có thể đủ để giảm thiểu các triệu chứng dị ứng.
ThS. BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)
Một số dấu hiệu dị ứng thức ăn ở trẻ
Dị ứng có thể xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Triệu chứng dị ứng thức ăn thường đa dạng, biểu hiện ở nhiều cơ quan như:
Sổ mũi (có chảy mũi), chảy nước mắt, hắt hơi và khò khè.
Ho nhiều (ho mạn tính).
Sưng phù quầng mắt.
Thường xuyên bị nhiễm lạnh hoặc viêm thanh quản.
Nổi mề đay ở da khu trú hay toàn thân, thường xuyên phát ban trên da (chàm bội nhiễm, nổi ban, lác sữa ở trẻ nhũ nhi).
Ho vào ban đêm và nghẹt mũi vào buổi sáng.
Tiêu chảy, đau bụng, tiêu phân nhầy máu
Đầy bụng.
Mệt mỏi, đau đầu.
Khi có những dấu hiệu này cần ngừng, không cho trẻ ăn thức ăn gây dị ứng hoặc có nghi ngờ gây dị ứng, đồng thời đưa trẻ tới bệnh viện có chuyên khoa dị ứng khám.