Làm đẹp từ nước vo gạo
Gặp chị Phạm Thu Hà tại xưởng cốp pha của gia đình, khi chị đang nhổ đinh, ghép đống cốp pha cho chồng chuẩn bị mang tới công trình xây dựng, không ai biết rằng chị đã là người mẹ 3 con, với cháu đầu hiện đang học năm thứ 3 đại học Dược. Gia đình với 3 thế hệ suốt hơn 20 năm làm dâu nhưng không một lời to tiếng, chị luôn hạnh phúc, thoải mái. Kinh tế khá giả, nhưng người phụ nữ nông thôn ấy vẫn luôn lao động tích cực. Chính sự lao động đã giúp chị khỏe mạnh, yêu đời hơn.
Hằng ngày chị dậy từ 5 giờ sáng để tự cơm nước cho chồng con mà không phải phụ thuộc vào các tiệm ăn nhanh. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là chị Hà dậy nấu cơm là để lấy chút nước vo gạo, đây chính là “bả bối” thay mỹ phẩm vừa rẻ tiền, vừa hiệu quả mà không có chút tác dụng phụ nào.
Chia sẻ về việc 41 tuổi, lại là người phụ nữ nông thôn, cả năm không biết tới son phấn, mỹ phẩm, nhưng làn da chị luôn hồng hào, không có một chút nếp nhăn, chị Hà cho hay: Từ khi còn là con gái, chưa lấy chồng, mình hay phải nấu cơm cho gia đình. Thời đó, làm gì có mỹ phẩm, kem trắng da hay dưỡng da. Xem tivi thấy người ta quảng cáo mỹ phẩm này nọ là thích lắm, ao ước có, nhưng nhà nghèo không có tiền dùng.
Thấy mẹ mách là dùng nước vo gạo mặt sẽ trắng hồng, nên tôi bắt đầu sử dụng. Khi nấu cơm, tôi cho gạo vào nồi rồi đổ nước, không vo gạo mà chắt kiệt nước đó đi, để loại bỏ các bẩn, chấu còn xót của gạo. Sau đó cho nước lần 2 vào và vo đều tay một chút, chắt bớt nước, chỉ dùng 1 chén nhỏ đặc sẽ tác dụng. Ngày 3 lần xoa lên mặt, mỗi lần để khoảng 30 phút rồi rửa bằng nước lã lại. Cứ như vậy, thấy mình trắng, da không mụn…”
Thấy tác dụng của nó, nên ngần ấy năm, kể cả khi kinh tế khá giả, nhưng chị không chạy theo các dòng mỹ phẩm nào mà vẫn chung thủy với mỹ phẩm tự chế của mình. Giờ đây, con gái của chị lớn, cũng không son phấn mà thi thoảng khi có thời gian và dịp nấu cơm ở nhà, cháu cũng học theo cách của mẹ để dưỡng da.
Vừa làm, vừa chia sẻ kinh nghiệm, chị Hà còn nhắc chúng tôi rằng: Để trẻ, khỏe thì quan trọng hơn nữa là giữ tinh thần vui vẻ, mình phải biết bằng lòng với những gì mình có. Đối với tôi, vợ chồng, bố mẹ sống chan hòa với nhau, con cái ngoan ngoãn, học giỏi là mình vui rồi. Tuy gia đình cũng khá giả trong làng, thuê nhiều người làm, nhưng ngày nào tôi cũng cùng chồng và em lao động phụ giúp để mình khỏe khoắn, vui tươi và noi ý thức cho các con.
Bình Nguyên