Khô da
Khô da là dấu hiệu cơ thể thiếu chất vitamin A. Nó có tác dụng làm phát triển và duy trì các mô bao phủ mọi bề mặt của cơ thể từ trong ra ngoài.
Ảnh minh họa |
Khi thiếu vitamin A, da và môi của bạn có thể bị khô và tróc vảy. Để bổ sung được nhiều chất dinh dưỡng này, bạn có thể sử dụng các loại thực phẩm như: cải bó xôi, cải xoăn, khoai lang, cà rốt, dưa hấu,...
Sưng lưỡi
Thiếu hụt một số thành phần dinh dưỡng hoặc dị ứng có thể khiến bạn bị sưng lưỡi. Tình trạng này còn được gọi là viêm lưỡi và lưỡi có vẻ bóng mượt khi bị sưng. Đó có thể là dấu hiệu bạn đang thiếu sắt hoặc vitamin B như axit folic, niacin, riboflavin và B12. Khi mắc phải tình trạng này, lưỡi của bạn sẽ bị đau. Để bổ sung vitamin B12, hãy chọn các loại thực phẩm như: Thịt, cá, trứng, sữa và ngũ cốc.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh nguyên nhân do thiếu hụt dinh dưỡng gây ra, sưng lưỡi cũng là dấu hiệu của một số bệnh khác nghiêm trọng. Bạn cần đến cơ sở y tế để biết được nguyên nhân chính xác của tình trạng này.
Thiếu magiê gây chán ăn, buồn nôn
Magiê giúp hỗ trợ sức khỏe xương và quá trình sản xuất năng lượng. Người lớn cần 310-420 mg magiê mỗi ngày, tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi. Thiếu magiê có thể gây chán ăn, buồn nôn và nôn, mệt mỏi, suy nhược. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, nó cũng gây tê, ngứa ran, chuột rút, co thắt cơ, nhịp tim không đều hoặc co thắt mạch vành.
Ảnh minh họa |
Một số loại thuốc (kháng sinh, lợi tiểu) hay các tình trạng sức khỏe (tiểu đường type 2, bệnh Crohn) có thể hạn chế sự hấp thu magiê. Để cơ thể nhận được nhiều dưỡng chất này hơn, nên ăn nhiều hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng, rau bina, đậu đen và đậu nành.
Thiếu canxi gây tê, ngứa ran ngón tay
Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), canxi giúp xương chắc khỏe, kiểm soát chức năng cơ và thần kinh. Thiếu hụt canxi và vitamin D có thể gây loãng xương. Dấu hiệu thiếu canxi nghiêm trọng bao gồm tê ngón tay, ngứa ran, nhịp tim bất thường.
Ảnh minh họa |
Người lớn cần dung nạp 1.000mg canxi mỗi ngày, phụ nữ trên 50 tuổi và nam giới trên 70 tuổi cần 1.200mg canxi. Sữa, sữa chua, phô mai, ngũ cốc tăng cường, các loại rau lá xanh đậm như cải xoăn, bông cải xanh giàu vi chất này.
Thiếu sắt gây mệt mỏi, tay chân lạnh
Sắt cần thiết cho quá trình tạo ra các tế bào hồng cầu, mang oxy đi khắp cơ thể. Nồng độ sắt xuống thấp gây giảm lượng hồng cầu, dẫn đến thiếu máu. Người có nguy cơ thiếu sắt gồm phụ nữ đang có kinh nguyệt, trẻ em đang lớn, phụ nữ mang thai, người theo chế độ ăn thuần chay.
Ảnh minh họa |
Cơ thể thiếu sắt dễ suy nhược, mệt mỏi, khó thở, nhịp tim nhanh, da nhợt nhạt, nhức đầu, tay chân lạnh, lưỡi đau hoặc sưng, móng giòn... Các triệu chứng ban đầu thường ở thể nhẹ, khó nhận biết nhưng khi lượng sắt dự trữ ngày càng cạn kiệt, chúng trở nên rõ rệt hơn.
Thiếu vitamin D gây mệt mỏi, đau xương
Theo phòng khám Cleveland, vitamin D rất quan trọng với sức khỏe xương và hỗ trợ ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Triệu chứng thiếu vitamin D đôi khi không rõ ràng như mệt mỏi, đau xương, thay đổi tâm trạng, đau nhức hoặc yếu cơ.
Ảnh minh họa |
Thiếu vitamin D kéo dài có thể dẫn đến mềm xương, nguy hiểm hơn là bệnh ung thư và các bệnh tự miễn khác. Viện Y tế Quốc gia Mỹ khuyến nghị người trưởng thành nên cung cấp cho cơ thể 15 mcg vitamin D, người trên 70 tuổi là 20 mcg vitamin D mỗi ngày.
Loại vitamin này có nhiều trong sữa tăng cường hoặc sữa chua, cá béo như cá hồi, cá thu... Tắm nắng 10-30 phút mỗi ngày, vài lần một tuần cũng giúp tăng cường vitamin D cho cơ thể.
Loét miệng
Theo Healthline, tổn thương trong và xung quanh miệng một phần có thể là do cơ thể thiếu sắt hoặc vitamin B. Một số nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân bị loét miệng dường như có mức độ sắt thấp gấp đôi bình thường. Trong khi đó, khoảng 28% bệnh nhân bị loét miệng do thiếu hụt thiamine (vitamin B1), riboflavin (vitamin B2) và pyridoxine (vitamin B6).
Thiếu B1 ăn không tiêu, tiêu chảy
Cơ thể có thể đang thiếu vitamin B1 với triệu chứng: Ăn không tiêu, tiêu chảy, tuần hoàn kém, lo lắng. Các loại thực phẩm giàu vitamin B1 là: hạt ngũ cốc, lúa mì, yến mạch, thịt, gan, tim.
Cách đơn giản để phòng tránh thiếu dưỡng chất là duy trì chế độ ăn uống cân bằng. Bữa ăn hằng ngày cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm; ưu tiên lựa chọn, sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; Tập luyện thể thao và tiếp xúc ánh nắng hằng ngày đúng cách...