Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu carbohydrate

Carbohydrate (carb) gồm tinh bột, đường và chất xơ, là nhiên liệu phục vụ các quá trình trao đổi chất, tạo năng lượng, chức năng tiêu hóa cùng nhiều hoạt động quan trọng khác trong cơ thể.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của chất Carbohydrate (tinh bột) đối với sức khỏe. Đây là một trong 3 dưỡng chất đa lượng (tinh bột, chất đạm, chất béo), là nguồn cung cấp năng lượng chính trong các hoạt động cần năng lượng của cơ thể, điển hình như:

Cung cấp nhiên liệu chính cho hệ thống thần kinh trung ương và năng lượng cho các cơ quan trong cơ thể làm việc.

Cung cấp thành phần cấu tạo nên tế bào và các mô, điều hòa hoạt động của cơ thể, cung cấp chất xơ cần thiết.

Cung cấp năng lượng cho tất cả các hoạt động của cơ thể. Trong một số tế bào và mô như hồng cầu và não bộ, đây là nguồn cung cấp năng lượng duy nhất.

Cung cấp năng lượng cần thiết cho quá trình tổng hợp các axit amin không thiết yếu và hỗ trợ hình thành sụn, xương và các mô thần kinh.

Vì vậy, không nên loại bỏ tinh bột ra khỏi thực đơn mà hãy sử dụng chúng một cách thông minh để mang lại hiệu quả cao trong việc duy trì sức khỏe và giảm mỡ thừa.

Lượng carb khuyến nghị thường là 45-65% tổng lượng calo hàng ngày. Ví dụ một người có chế độ ăn khoảng 2.000 calo mỗi ngày thì lượng carb tương ứng là 225-325 g. Lượng tiêu thụ ít hơn có thể gây ra một số tác động đến sức khỏe.

Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu carbohydrate:

Căng thẳng, stress

Tinh bột cũng có vai trò cực kì quan trọng đối với cảm xúc của con người. Một chế độ ăn thiếu tinh bột được xem là một trong những nguyên nhân làm giảm nồng độ serotonin (serotonin là một hormone có vai trò điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ và các vấn đề về tiêu hóa) trong não. Chính việc giảm nồng độ hormone serotonin khiến bạn luôn cảm thấy căng thẳng, stress.

Hơi thở có mùi

Chế độ ăn thiếu tinh bột có thể gây ra sự tích tụ ketone, một phần chất béo phá vỡ trong máu. Tình trạng này được gọi là ketosis. Khi cơ thể bạn không có đủ glucose cho năng lượng, nó sẽ phân hủy chất béo được lưu trữ, tạo ra ketone.

Ketosis nhẹ có thể gây ra mệt mỏi về tinh thần, buồn nôn, đau đầu, hoặc gây hôi miệng. Ngoài ra, ketosis nghiêm trọng có thể dẫn đến sưng đau khớp và sỏi thận.

Khó tập trung

Chế độ ăn kiêng low-carb có thể làm giảm mức năng lượng, khả năng tập trung. Nguồn carb chất lượng cao như khoai lang, bánh mì nguyên hạt, quả mọng và quinoa (hạt diêm mạch) cung cấp năng lượng cần thiết để thực hiện hoạt động hàng ngày. Chúng cũng giúp kiểm soát đường huyết và tránh tình trạng suy nhược.

Thèm ăn

Cơ thể phân hủy carb thành đường (glucose) đi vào máu. Lượng carb nạp vào giảm có thể khiến đường máu giảm, dẫn đến mau đói, thèm ăn. Ngoài ra, carb có thể giúp ngăn chặn thèm ăn vì chúng hỗ trợ điều chỉnh các tín hiệu đói và no. Người ăn ít carb thường mệt mỏi khi tập thể dục và thèm ăn nhiều hơn, dễ dẫn đến tăng cân.

Khó tiêu

Các thực phẩm giàu carbohydrate đồng thời là các thực phẩm rất giàu hàm lượng chất xơ như ngũ cốc, rau quả, các loại đậu và các loại hạt. Vì vậy, nếu bạn không ăn đủ các thực phẩm này, bạn cũng sẽ thiếu chất xơ, là nguyên nhân dẫn tới tình trạng táo bón.

Luôn cảm thấy lạnh hơn so với người khác

Nếu chế độ ăn của bạn thiếu tinh bột có thể gây ra suy giáp. Do tinh bột đóng vai trò điều tiết hoạt động nội tiết tố tuyến giáp, nó cung cấp năng lượng dưới dạng nhiệt cho các tế bào. Chính vì vậy, việc bạn thường xuyên cảm thấy lạnh là một trong những triệu chứng của suy giáp mà nguyên nhân là do thiếu tinh bột.

Theo Đời sống
back to top