Người đàn ông 47 tuổi bị liệt mặt sau khi mắc zona thần kinh

Đối với bệnh nhân bị zona thần kinh, đặc biệt zona ở vùng mặt phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt, thời gian tốt nhất là trong 3 ngày đầu sau xuất hiện triệu chứng để chữa trị kịp thời, tránh để lại các biến chứng.

Mới đây, các bác sĩ Trung tâm Y tế Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa tiếp nhận điều trị thành công cho một bệnh nhân bị tổn thương thần kinh số 7 ngoại biên.

Xuất hiện nốt "nhiệt" trong miệng nhưng sau đó lan rộng khắp nửa mặt phải, bệnh nhân H., 47 tuổi được cơ sở y tế tại địa phương chẩn đoán và điều trị theo hướng zona thần kinh.

Sau 1 đợt điều trị dù bệnh zona đã khỏi nhưng bệnh nhân vẫn phải nhập viện vì lý do liệt mặt phải.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Hoàng Thị Nhật Lệ - Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng mắt phải nhắm không kín, miệng méo lệch về bên trái, mất rãnh cười bên phải (nếp gấp mũi má), ăn uống rơi vãi, từ mép phải đến mang tai phải có tổn thương da sẫm màu do zona thần kinh để lại.

Bệnh nhân được chẩn đoán liệt mặt ngoại biên, nguyên nhân được xác định do zona thần kinh gây tổn thương thần kinh số 7 ngoại biên.

Sau 13 ngày điều trị bằng các phương pháp y học cổ truyền, tình trạng liệt mặt đã phục hồi khoảng 70%, bệnh nhân tiếp tục được duy trì phác đồ điều trị để phục hồi thẩm mỹ.

Bác sĩ khuyến cáo, đối với bệnh nhân bị zona thần kinh, đặc biệt zona ở vùng mặt phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt, thời gian tốt nhất là trong 3 ngày đầu sau xuất hiện triệu chứng của bệnh để chữa trị kịp thời, tránh để lại các biến chứng lâu dài.

Cách chữa zona thần kinh hiệu quả

Để tránh nguy cơ để lại sẹo do nhiễm trùng thứ phát, cần hạn chế việc gãi lên vùng bị ngứa. Nếu bị ngứa quá mức, có thể sử dụng thuốc kháng histamin để giảm ngứa.

Nếu cảm thấy đau và rát, có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Để làm dịu cơn đau và làm khô vùng bị viêm nhiễm, có thể dùng băng ép ngâm vào nước lạnh sau đó đặt lên vùng sang thương chảy mủ. Nên thực hiện khoảng 7 – 8 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 20 phút. Khi vùng sang thương đã khô, có thể ngừng áp dụng cách này.

Để tránh nguy cơ nhiễm trùng, cần vệ sinh vùng thương bằng xà phòng và nước sạch.

Nên mặc quần áo thoải mái, rộng rãi để tránh cọ xát và đau vùng sang thương.

Hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là những người chưa từng mắc thủy đậu hoặc có hệ miễn dịch yếu.

Theo Đời sống
back to top