Đau cứng cổ sau khi ngủ dậy, hãy thử 4 cách này

Tình trạng ngủ dậy đau cổ vai gáy xảy ra ở rất nhiều người bởi nhiều lý do khác nhau, có thể là do ngủ sai tư thế hoặc do căng thẳng kéo dài... Dưới đây là một số mẹo giảm đau cổ khi ngủ sai tư thế.
Mẹo giảm đau cổ khi ngủ sai tư thế. Ảnh minh họa

Mẹo giảm đau cổ khi ngủ sai tư thế. Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây đau cứng cổ sau khi ngủ dậy

Nguyên nhân khiến bạn ngủ dậy bị đau cổ có thể là do ban đêm khi ngủ bị sai tư thế hoặc đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn mắc phải các bệnh xương khớp liên quan đến thoái hóa cột sống ở cổ.

Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu khiến ngủ dậy bị đau cổ thường gặp:

Tư thế ngủ: Ngủ nằm sấp, quay đầu sang một bên… được gọi là ngủ sai tư thế. Vì các tư thế này sẽ gây chèn ép các mạch máu vùng cổ, cản trở quá trình cung cấp oxy cho các tế bào cơ, khiến axit lactic - thủ phạm gây đau mỏi cơ được giải phóng nhiều hơn. Bên cạnh đó, nếu bạn vô thức thực hiện các chuyển động cổ một cách đột ngột trong khi ngủ sẽ gây sức ép khiến các cơ bị căng thẳng, gây ra đau.

Gối kê đầu: Sử dụng gối kê đầu sai cách (ví dụ kê gối quá cao) trong thời gian dài sẽ dẫn đến bệnh thoái hóa đốt sống cổ với triệu chứng điển hình là đau cứng vùng cổ, đau tê vùng vai gáy… Ngoài ra, dùng gối quá thấp hoặc không dùng gối khiến cổ ngửa ra phía sau, tạo sức căng lớn cho dây chằng cột sống cổ sẽ gây đau nhiều hơn.

Ngoài 2 lý do phổ biến kể trên thì một số người cũng có nguy cơ bị đau cổ khi ngủ hơn so với nhóm khác chẳng hạn như người đang gặp các vấn đề về viêm xương khớp ở khớp cột sống trên, thoái hóa đốt sống cổ, hội chứng chèn ép thần kinh do thoát vị đĩa đệm hoặc gai xương ở cổ, từng có các chấn thương trước đó, di chuyển đột ngột sau khi thức dậy...

Ngủ dậy bị đau cổ, vai, gáy phải làm sao?

Chườm nóng và chườm lạnh

Cả chườm nóng và chườm lạnh đều có thể giúp giảm đau cổ. Với chườm lạnh, bạn nên chườm trong 48 - 72 giờ đầu tiên khi cơn đau cổ do ngủ sai tư thế xảy ra. Sau đó thì chườm nóng tới khi cơn đau biến mất.

Nên sử dụng các thiết bị chườm chuyên dụng hoặc bọc túi chườm cẩn thận để tránh bỏng lạnh hoặc bỏng do nhiệt nóng. Chỉ nên chườm nóng trong 10 - 15 phút và chườm lạnh từ 15 - 20 phút mỗi lần (lặp lại sau 2 - 4 giờ) tới khi các triệu chứng đau được cải thiện.

Massage cổ

Cho cổ được nghỉ ngơi kết hợp massage cổ sẽ gia tăng hiệu quả, vừa giúp giải tỏa căng thẳng vừa thuyên giảm cơn đau mỏi cổ.

Cách thực hiện như sau: Dùng bàn tay/ngón tay xoa bóp vùng cổ, vai, gáy theo chuyển động tròn. Lưu ý khi massage không kéo căng quá mức để tránh làm cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.

Rất nhiều người ngủ dậy bị đau cổ thường cho rằng mình bị cảm gió, cảm mạo rồi dùng các loại dầu nóng, thuốc rượu để xoa bóp hoặc cạo gió vùng cổ và vai gáy. Trên thực tế, những phương pháp này chỉ giúp làm giảm đau nhất thời nhưng lại có thể để lại biến chứng xuất huyết trong cơ bắp, gây nên hiện tượng tụ máu cũng như dễ khiến cơn đau quay lại với mức độ nặng hơn.

Tắm nước ấm

Tắm nước ấm hoặc dùng miếng đệm nhiệt ấm để có thể giúp cơ thể thư giãn, thả lỏng các cơ, giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động.

Tập các bài giãn cơ cổ nhẹ nhàng

Thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng, như đi bộ hoặc yoga. Điều này có thể giúp giữ cho máu lưu thông đến cổ của bạn. Tuy nhiên không nên ngừng di chuyển hoàn toàn, vì ngừng cử động có thể làm căng cơ bắp.

Cách ngăn ngừa đau cổ sau khi ngủ dậy

Để ngăn ngừa tình trạng đau cổ sau khi thức dậy, có thể thực hiện một số biện pháp sau:

Ngủ đúng tư thế: Khi nằm ngủ, bạn không nên kê gối cao hơn so với đầu. Bên cạnh đó, hãy chọn tư thế ngủ phù hợp để giảm nguy cơ căng cơ và tạo áp lực trên vùng cổ. Bạn không nên nằm sấp vì tư thế này có thể tạo áp lực lên vùng cổ, dẫn đến cảm giác đau mỏi cổ khi thức dậy.

Sử dụng gối ngủ phù hợp: Nên chọn gối có chiều cao và độ cứng phù hợp với tư thế ngủ của bạn (khoảng 8 – 15 cm và chất liệu bằng bông mút là tốt nhất). Gối quá cao hoặc quá thấp đều có thể gây áp lực lên vùng cổ và vai.

Thay đổi tư thế khi ngủ: Đừng duy trì một tư thế ngủ cố định suốt đêm. Hãy thay đổi tư thế và điều chỉnh gối khi cảm thấy căng cơ hoặc không thoải mái.

Tập thể dục và giãn cơ: Hãy thực hiện các bài tập giãn cơ và tập thể dục đều đặn để duy trì sự linh hoạt cho cơ bắp cổ và vai.

Tránh ngồi làm việc quá lâu: Dành thời gian nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian làm việc sẽ giúp cho cơ cổ được thư giãn và tránh khỏi đau nhức, khó chịu

Theo Đời sống
back to top