Với sự tiến bộ của y khoa và đặc biệt trong lĩnh vực y khoa thẩm mỹ, rất nhiều phương pháp tiên tiến đã được áp dụng trong ngành thẩm mỹ. Trẻ hoá da bằng kỹ thuật ly trích huyết tương giàu tiểu cầu PRP là một kỹ thuật điều trị được Bộ Y tế cho phép thực hiện tại một số bệnh viện chuyên ngành da liễu hoặc các bệnh viện có khoa da liễu, thẩm mỹ da.
Tại một số trung tâm thẩm mỹ, phương pháp làm đẹp, trẻ hóa da bằng phương pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP - Platelet Rich Plasma) thành làm đẹp bằng tế bào gốc tự thân. (Ảnh minh họa) |
Huyết tương giàu tiểu cầu PRP trong trẻ hóa da bị đánh tráo thành… tế bào gốc
Giải thích về thuật ngữ “tế bào gốc tự thân”, theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, từ “tự thân” trong tiếng Anh là autologous, có nghĩa lấy từ một cơ thể và dùng hoặc tiêm cho chính cơ thể đó. Ví dụ, lấy da ở mông hoặc đùi của bệnh nhân bị bỏng rồi ghép lên mặt để tạo hình cho chính người đó, được gọi ghép da tự thân. Nếu lấy từ một cơ thể khác thì gọi là "ghép khác gene cùng loài" (allogenic). Trong thực tế hiện nay, người ta hay dùng tế bào gốc trung mô tách từ mỡ để làm phẫu thuật tạo hình kết hợp với thẩm mỹ. Họ đã sáng chế ra các máy khép kín và dùng các bộ kit thương mại để tách tế gốc trung mô từ mỡ. Hàn Quốc là nước đi đầu.
Phương pháp làm đẹp bằng huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet Rich Plasma - PRP) hiện được áp dụng rộng rãi trên thế giới và Việt Nam. PRP đang được áp dụng trong rất nhiều chuyên khoa, bao gồm da thẩm mỹ. Với phương pháp này, khách hàng sẽ được lấy một lượng nhỏ máu của mình và sẽ được xử lý và hoạt hóa với bộ kit chuyên biệt tại phòng xử lý đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Sản phẩm sau khi qua các bước xử lý sẽ là huyết tương giàu tiểu cầu đã được hoạt hóa và đưa vào thực hiện theo phác đồ điều trị.
Các thành phần chủ yếu có trong PRP giúp kích thích các tế bào nội sinh, thúc đẩy và điều hòa quá trình hình thành mạch máu mới, giảm viêm, thúc đẩy nhanh chóng quá trình chữa lành vết thương… Sản phẩm PRP sau hoạt hóa có thể dùng đường bôi và tiêm vi điểm trong thẩm mỹ da để làm trẻ hóa hoặc điều trị các vấn đề về sẹo hoặc làm lành vết thương; có thể sử dụng qua đường tiêm trong các chuyên khoa khác để điều trị bệnh.
Tế bào gốc chưa được ứng dụng trong thẩm mỹ da
Còn liệu pháp tế bào gốc hiện nay được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới cũng như Việt Nam. Chỉ định thực hiện tế bào gốc trong điều trị đã và đang được nghiên cứu rất nhiều, tuy nhiên hiện tại chỉ áp dụng trong một số bệnh lý. Tại Việt Nam, Bộ Y tế mới chỉ cho phép ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu, ghép tế bào gốc trung mô điều trị viêm khớp, thí điểm ghép tế bào gốc điều trị tim mạch, tế bào gốc trong thẩm mỹ da hiện chưa được phép thực hiện tại Việt Nam.
Điển hình nổi bật trong lĩnh vực ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh gồm có công trình ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại) điều trị các bệnh máu tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương; hay cụm công trình ứng dụng tế bào gốc (tủy xương, máu ngoại vị, máu cuống rốn) tạo máu trong điều trị các bệnh lý huyết học tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM.
Điều trị bằng tế bào gốc đối với các vấn đề về da tương đối cao hơn so với sử dụng các hoạt chất thông thường khác, có lẽ do tính đa năng của tế bào gốc và kỹ thuật chiết xuất phức tạp, công nghệ cao. (Ảnh minh họa) |
Một số thuật ngữ “làm đẹp bằng tế bào gốc” chủ yếu kích thích sự tò mò của khách hàng đến các thẩm mỹ viện để tư vấn làm đẹp, trẻ hóa hay chống nhăn. Người tiêu dùng nên tìm hiểu cụ thể ở các bệnh viện hoặc thông tin chính thức trên trang của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế địa phương về cái được quảng cáo là “làm đẹp bằng tế bào gốc” để kiểm tra thông tin tế bào gốc chiết xuất từ đâu, dùng bằng đường nào, đã được Bộ Y tế cấp phép chưa, như vậy mới đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong làm đẹp.
TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: “Tế bào gốc là phương pháp đầy hứa hẹn trong thẩm mỹ da, đặc biệt trong cải thiện lão hóa da vì tính đa năng, khả năng tự nhân đôi và biệt hóa tế bào.
Điều trị bằng tế bào gốc đối với các vấn đề về da tương đối cao hơn so với sử dụng các hoạt chất thông thường khác, có lẽ do tính đa năng của tế bào gốc và kỹ thuật chiết xuất phức tạp, công nghệ cao; hơn thế nữa điều kiện bảo quản chế phẩm chứa tế bào gốc không hề đơn giản. Do đó, các sản phẩm trên thị trường có liên quan tế bào gốc đang được sử dụng rộng rãi đa số là các chế phẩm chứa dung dịch hay môi trường để nuôi dưỡng tế bào gốc mà thôi”.
BSCKI Thạch Văn Toàn (Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM)