Ghép tế bào gốc phục hồi suy tim sau nhồi máu cơ tim

(khoahocdoisong.vn) - Tế bào gốc là một lựa chọn hiệu quả cho những bệnh nhân suy tim sau nhồi máu cơ tim (NMCT). Kỹ thuật được thử nghiệm trong nghiên cứu mang lại kết quả khả quan, sẵn sàng cho việc thực hiện thường quy.

Thoát chết nhờ tế bào gốc

Ông Nguyễn Văn Q., 57 tuổi, bị NMCT nhập viện trong tình trạng suy tim nặng, có hiện tượng phù phổi cấp. Mặc dù đã được bác sĩ điều trị bằng các biện pháp can thiệp thông thường (đặt stent và dùng thuốc phối hợp), chỉ số EF của bệnh nhân chỉ đạt 20% (người bình thường phải đạt 55%).

Các bác sĩ đã lấy 200ml tủy của bệnh nhân, đem tách chiết được 10ml tế bào gốc rồi tiêm vào động mạch vành. Sau 4 năm được điều trị, ông Q. cho hay, sức khỏe hiện tại vẫn cho phép ông làm việc mà không bị mệt mỏi.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết, NMCT là một bệnh thường gặp và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý tim mạch. Những tiến bộ mới trong điều trị NMCT, nhất là tái thông động mạch vành bằng nong và đặt stent cùng với sự ra đời của nhiều thuốc điều trị mới đã cải thiện đáng kể chất lượng bệnh. Tuy vậy vẫn có từ 10-15% bệnh nhân tiến triển thành suy tim sau NMCT.

Theo BS Phạm Tuấn Đạt, Viện tim mạch Việt Nam, tại nhiều nước NMCT cấp cũng đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đối với bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối thì hiệu quả nhất là ghép  tim. Tuy nhiên, sự  lựa chọn này gặp nhiều trở ngại ở vấn đề người hiến tim và chi phí còn cao.

Trong bối cảnh đó điều trị tế bào gốc đang là một lựa chọn có hiệu quả cho những bệnh nhân suy tim sau NMCT. 

Thực hiện ghép tế bào gốc cho bệnh nhân tại Viện tim mạch quốc gia

Thực hiện ghép tế bào gốc cho bệnh nhân tại Viện tim mạch quốc gia 

Giảm tử vong và các biến chứng

Theo thống kê tại Viện Tim mạch Quốc gia, tỷ lệ bệnh nhân bị NMCT đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Trong số này, có 10-20% bị biến chứng suy tim, chức năng tim không được cải thiện sau khi sử dụng các biện pháp thông thường. 

Chính vì vậy, song song với các kết quả nghiên cứu về thử nghiệm lâm sàng sử dụng liệu pháp tế bào gốc trong điều trị NMCT cấp của các đồng nghiệp trên thế giới, Viện tim mạch Quốc gia cũng tiến hành đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về “Điều trị thử nghiệm tế bào gốc tự thân từ tủy xương cho bệnh nhân suy tim nặng do NMCT” do GS.TS Nguyễn Lân Việt làm chủ nhiệm. Đề tài thực hiện trên 6 bệnh nhân cho thấy tính khả thi và hiệu quả của phương pháp này. Tiếp nối thành công, Viện tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ độc lập cấp nhà nước: “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị suy tim sau NMCT” trên 100 bệnh nhân (50 nhóm bệnh và 50 nhóm đối chứng).

Kết quả nghiệm thu cho thấy: Tại thời điểm sau 12 tháng, tình trạng suy tim được cải thiện đáng kể hơn ở nhóm bệnh nhân được cấy ghép tế bào gốc tự thân so với nhóm chứng. Tỷ lệ tử vong sau 12 tháng ở nhóm bệnh nhân được cấy ghép tế bào gốc tự thân là 8% nhóm chứng là 10%. Tỷ lệ các biến cố cộng gộp (tử vong, tái nhồi máu cơ tim, tái can thiệp động mạch vành và tái nhập viện do suy tim) ở nhóm bệnh nhân được cấy ghép tế bào gốc tự thân thấp hơn nhóm chứng một cách có ý nghĩa thống kê 12% so với 26%.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, liệu pháp tế bào gốc trong điều trị suy tim nặng sau NMCT cấp là hướng có nhiều nghiên cứu và có kết quả khả quan nhất, hầu như đã sẵn sàng cho thực hành thường quy và đã được ứng dụng trên lâm sàng tại số một số nước. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cũng cho thấy lợi ích của nhóm bệnh nhân này. Đây cũng là hướng đi tới mở rộng ứng dụng kỹ thuật tại Việt Nam.

Theo Đời sống
back to top