Ghép tế bào gốc tự thân điều trị bạch biến

(khoahocdoisong.vn) - Lần đầu tiên Bệnh viện Da liễu T.Ư áp dụng thành công phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy điều trị bệnh bạch biến và các rối loạn giảm sắc tố da khác cho người bệnh.

Bệnh phổ biến gây tự ti và trầm cảm

Nguyễn Thị L. (22 tuổi, Hà Nội) là một sinh viên giỏi nhưng luôn tự ti, thu mình không dám giao tiếp. Nguyên nhân là do L. bị bệnh bạch biến, mặt chỗ đen, chỗ trắng... Sau 2 tháng được ghép tế bào gốc, da mặt L. đã gần trở lại bình thường.

PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết, bạch biến là căn bệnh tự miễn, là hiện tượng sắc tố của da bị rối loạn do sự phá hủy và mất đi tế bào sinh sắc tố khiến vùng da trông như bị tẩy trắng. Vị trí bị bệnh thường gặp nhất là mặt, phần trên của ngực, mặt lưng bàn tay, nách, háng… Thương tổn da là những đốm da mất sắc tố, màu rất trắng, kích thước của các đốm cũng thay đổi từ 1cm đến nhiều cm.

Bạch biến là căn bệnh khá phổ biến, xuất hiện ở mọi lứa tuổi và mọi giới. Lứa tuổi thường gặp nhất là từ 10 - 30, hơn 50% xảy ra trước 20 tuổi và có thể gặp bệnh bạch biến ở trẻ em. Căn bệnh này tuy không gây nguy hiểm đến sức khoẻ nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ khiến người bệnh tự ti, thậm chí trầm cảm. Hiện trên thế giới có hơn 1 triệu người mắc căn bệnh này. Cho đến nay, y học vẫn chưa có thuốc nào trị khỏi bệnh hoàn toàn.

Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân gây bệnh bạch biến còn chưa rõ. Một vài giả thuyết cho rằng bệnh bạch biến có thể do ảnh hưởng của bệnh tự miễn hoặc có thể do di truyền, liên quan đột biến ở gene DR4, B13 hoặc BW35 của HLA. Các tự kháng thể xem các tế bào sắc tố như là các kháng nguyên và chống lại chúng, phá hủy tế bào sắc tố và làm giảm sản xuất sắc tố melanin. Khoảng 20 - 30% bệnh nhân bạch biến có tự kháng thể chống lại tế bào của tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, gan tụy nên một số bệnh nhân bạch biến có các bệnh lý kèm theo liên quan đến các cơ quan kể trên.

Hiệu quả đạt 70 – 80%

ThS.BS Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết, hiện nay có khá nhiều phương pháp điều trị bệnh bạch biến hiệu quả như thuốc bôi, thuốc uống, ánh sáng trị liệu... tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân kém đáp ứng với các phương pháp trên. Chính vì thế, kỹ thuật mới: Ghép tế bào gốc đem lại hiệu quả và niềm hy vọng cho những bệnh nhân này. 

Ghép tế bào gốc điều trị bạch biến là dùng tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cây gồm: Tế bào hắc tố, tế bào gai, một số tế bào gốc của chính cơ thể bệnh nhân ghép vào tổn thương bạch biến.

Theo đó, bác sĩ lấy da ở vùng hông hoặc mặt trước đùi theo tỷ lệ 1/5 (ví dụ như vùng bạch biến cần được ghép có diện tích là 10cm² thì cần lấy 2cm² ở vùng trước đùi). Nếu tổn thương rộng tỷ lệ này có thể là 1/10. Sau đó miếng da này sẽ được đưa vào trong dung dịch, qua các công đoạn sẽ tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào, sau đó sẽ ghép vào vùng da bị bạch biến (vùng da này sẽ được bào mòn bằng tay hoặc dùng laser).

Mỗi 1 bệnh nhân mất khoảng 2 - 4 tiếng để hoàn thành tất cả quy trình tùy vào diện tích tổn thương. Tế bào ghép vào sẽ được dùng gạc cố định lại và tháo ra trong vòng 1 tuần.

Phương pháp này được chỉ định thực hiện với các trường hợp bệnh ổn định ít nhất 1 năm (trong vòng 1 năm không có tổn thương mới nào hoặc tổn thương cũ không lan rộng); Không có hiện tượng Kobner: không xuất hiện tổn thương bạch biến ở vùng chấn thương;  Không có tiền sử sẹo lồi do chấn thương.

Theo ThS.BS Hoàng Văn Tâm, đây là một phương pháp đạt hiệu quả rất cao có thể lên tới 70 - 80% đặc biệt ít tái phát với bạch biến đoạn, còn với bạch biến thể thông thường tỷ lệ tái phát cao hơn, từ 10 - 20%. Thông thường người bệnh chỉ cần ghép 1 lần, tuy nhiên cũng có thể ghép hơn 1 lần để hiệu quả cao hơn. Hiện tại, sau khi tiến hành ghép trên khoảng 100 bệnh nhân, ekip phẫu thuật của Bệnh viện Da liễu T.Ư đã làm chủ được hoàn toàn kỹ thuật và hạn chế tối đa tác dụng phụ như sẹo lồi, nhiễm khuẩn, tăng sắc tố sau viêm…

Theo Đời sống
back to top