Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo lần 2 về Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Dự thảo thông tư có quy định về mức kỷ luật dừng học trên lớp đối với học sinh. Theo đó, mức kỷ luật này áp dụng đối với học sinh đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng không sửa chữa, tái phạm hoặc vi phạm thêm những khuyết điểm khác trong khoảng thời gian một học kỳ.
Học sinh vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng như đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh khác của nhà trường hoặc có những hành vi vi phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương nhưng chưa đến mức bị các cơ quan có thẩm quyền xử lí theo quy định của pháp luật.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của Hội đồng kỷ luật học sinh của nhà trường, Hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa là hai tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.
Đối với Kỷ luật khiển trách sẽ áp dụng đối với học sinh tái phạm nội quy, quy định của nhà trường, đã được thực hiện biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực nhưng chậm khắc phục, sửa chữa.
Học sinh vi phạm lần đầu nhưng mức độ nghiêm trọng như: Có lời nói và hành động vô lễ với giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường; gây gổ đánh nhau hoặc có hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn trường học và cộng đồng; tổ chức, lôi kéo người khác cùng vi phạm nội quy của nhà trường hoặc vi phạm các khuyết điểm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương.
Đối với Hình thức kỷ luật cảnh cáo, áp dụng đối với học sinh đã bị kỷ luật khiển trách nhưng không khắc phục, sửa chữa, mắc thêm khuyết điểm có tính chất tăng nặng, tái phạm khuyết điểm trong khoảng thời gian một học kỳ.
Vi phạm lần đầu nhưng mức độ rất nghiêm trọng như đánh nhau có tổ chức, có hung khí; tổ chức các hành vi gian lận trong học tập, thi, kiểm tra; lấy trộm tiền, đồ dùng, tư trang, cưỡng đoạt tài sản; cố ý phá hoại tài sản của nhà trường và người khác hoặc có những khuyết điểm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương nhưng chưa bị các cơ quan có thẩm quyền xử lí theo quy định của pháp luật.