Đảm bảo an toàn thực phẩm: Khó khăn trong truy xuất nguồn gốc

(khoahocdoisong.vn) - Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội xử phạt hơn 12,5 tỷ đồng vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP). Việc giám sát, đảm bảo ATTP còn nhiều khó khăn, nhất là trong truy xuất nguồn gốc.

Tiêu hủy nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc

Thời gian qua, Hà Nội đã tăng cường kiểm soát ATTP nông, lâm, thủy sản bán trên thị trường... Trong 6 tháng đầu năm 2020, thành phố đã tổ chức hơn 900 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP. Cụ thể, trong số 55.553 lượt cơ sở được thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 3.303 cơ sở vi phạm với số tiền phạt là hơn 12,5 tỷ đồng, đồng thời tiêu hủy nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, trong 6 tháng đầu năm 2020, Chi cục đã lấy 502 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm giám sát các chỉ tiêu ATTP tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố và sản phẩm từ các tỉnh, thành phố; sản phẩm nhập khẩu lưu thông trên địa bàn. Trong đó, 305 mẫu đã có kết quả phân tích, phát hiện 13 mẫu vi phạm, chiếm 4,2%. Ngoài ra, các đơn vị khác của Sở NN&PTNT cũng tiến hành lấy 449 mẫu nông, lâm, thủy sản để phân tích chỉ tiêu chất lượng ATTP, trong đó, phát hiện 37 mẫu không đạt yêu cầu.

Thực tế, hiện nay việc kiểm soát ATTP các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên thị trường rất khó khăn do sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Việc lấy mẫu, giám sát chất lượng ATTP các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội được kinh doanh tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn hạn chế. Mặc dù ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn một bộ phận chạy theo lợi nhuận, có hành vi gây mất ATTP; nguồn lực đầu tư, công tác bảo trì nhà xưởng, trang thiết bị, việc ghi chép truy xuất nguồn gốc còn hạn chế…

Hiện Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội rất tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản; qua đó, đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; mỗi tháng cung cấp hàng nghìn tấn nông sản sạch cho người tiêu dùng Thủ đô. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn gốc các mặt hàng nông sản trên thị trường vẫn còn khó khăn.

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại Hà Nội.

Xây dựng các chuỗi liên kết an toàn

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp: Vùng trồng lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vùng trồng rau an toàn. Huyện tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng chuỗi liên kết, bảo đảm đầu ra thuận lợi, nâng cao ý thức cho người dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn.

Đối với các tỉnh cung cấp hàng nông sản, thực phẩm về Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh, tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng 68 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn. Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp với Hà Nội tổ chức các chương trình kết nối đưa nông sản, đặc sản của tỉnh bán tại hội chợ; đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh ATTP.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Để kiểm soát được nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch giết mổ; mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn cho thành phố. Cùng với đó là tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng; thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về chất lượng ATTP, từng bước nâng cao ý thức cho người dân trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn...

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top