Đắk Lắk: Cầu tải trọng 2,5 tấn “cõng” xe chở cát nặng hàng chục tấn!

Hàng loạt xe chở cát trọng tải lên tới chục tấn từ bãi tập kết cát của Công ty TNHH Đoàn Kết (Công ty Đoàn Kết) vô tư đi qua cầu Đoàn Kết (xã Ea Ô, huyện Ea Kar), trong khi tải trọng của cầu được cắm bảng giới hạn chỉ 2,5 tấn.

Liên quan đến vụ việc người dân kêu cứu vì khai thác cát trên sông Krông Pắk, phóng viên Khoa học và đời sống đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk để làm rõ một số nội dung.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hàng loạt xe chở cát từ bãi tập kết cát của Công ty TNHH Đoàn Kết (Công ty Đoàn Kết) vô tư đi qua cầu Đoàn Kết (xã Ea Ô, huyện Ea Kar), đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Ban quản lý dự án huyện Ea Kar cho biết, cầu Đoàn Kết được xây dựng từ trước những năm 1990 phục vụ đi lại cho người dân nhiều xã của huyện.

Các năm 2018 và 2021, do mưa lũ đã làm 2 đầu mố cầu bị hư hỏng nặng. Do đó, năm 2021, UBND huyện đã chi 2,7 tỉ đồng đổ đất, rọ đá gia cố 2 bên mố cầu. Trong quá trình sửa chữa, Ban quản lý dự án đã ước tính và cắm bảng giới hạn tải trọng 2,5 tấn.

Cây cầu có biển báo 2,5 tấn nhưng xe hàng chục tấn vô tư đi qua.Cây cầu có biển báo 2,5 tấn nhưng xe hàng chục tấn vô tư đi qua.

"Cầu đã được xây dựng từ lâu nên hiện đã xuống cấp rất nặng. Đặc biệt, sau nhiều đợt mưa lũ, các trụ chân cầu nằm sâu dưới nước nên huyện không thể đánh giá được chất lượng. UBND huyện cũng đã nhiều lần đề nghị cấp kinh phí xây dựng mới 1 cây cầu để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại nhưng chưa được" - đại diện Ban quản lý dự án huyện Ea Kar thông tin.

Ông Nguyễn Minh Chuyền, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết phần lớn sản lượng cát tại bãi cát của Công ty Đoàn Kết (gần khu vực cầu), được vận chuyển qua cầu Đoàn Kết. Không rõ khi cấp phép bến bãi, tuyến đường vận chuyển cát cơ quan chức năng có đánh giá tải trọng của cầu Đoàn Kết hay không.

Cây cầu được xây dựng hàng chục năm trước nhưng xe hàng chục tấn vẫn lưu thông. Ảnh chụp tháng 12/2021.Cây cầu được xây dựng hàng chục năm trước nhưng xe hàng chục tấn vẫn lưu thông. Ảnh chụp tháng 12/2021.

"Có sự thiếu sót của địa phương, trong đó, lực lượng CSGT chưa tuần tra, kiểm soát xử lý các xe quá tải trọng cầu. Chúng tôi sẽ có văn bản yêu cầu Công ty Đoàn Kết thực hiện đúng quy định và chỉ đạo cơ quan công an tăng cường xử lý" – ông Chuyền cho biết thêm.

Liên quan đến vụ việc, Đại tá Nguyễn Văn Quy, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết Công an huyện Ea Kar đã tổ chức cho đại diện Công ty là ông Nguyễn Duy Thanh ký cam kết chấp hành các quy định bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy. Qua công tác xác minh, Công ty Đoàn Kết hiện có 2 xe đầu kéo, 2 sơ mi rơ moóc hoạt động vận chuyển cát qua địa bàn huyện Ea Kar từ tháng 10/2022. Hiện Công an huyện Ea Kar chưa ghi nhận sai phạm của các phương tiện của Công ty Đoàn Kết.

Cây cầu bị sạt lở nghiêm trọng vào tháng 12-2021

Cây cầu bị sạt lở nghiêm trọng vào tháng 12-2021

"Thời gian tới, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, tập trung chuyên đề tải trọng góp phần kiềm giảm tai nạn giao thông" - Đại tá Quy nói.

Như báo Khoa học và đời sống đã phản ánh, dòng sông Krông Pắk ở huyện Ea Kar, Đắk Lắk đang bị tàn phá bởi nạn khai thác cát vô tội vạ dẫn đến xói mòn bờ sông, sạt lở, thay đổi dòng chảy và phá vỡ thảm thực vật giữ bờ sông, cuốn trôi cây trồng của của người dân theo dòng nước. Sông Krông Pắk vốn là nơi cung cấp nước tưới cho hàng nghìn ha cây trồng và nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân nay đã cạn xấp xỉ mực nước chết. Người dân sống trong lo âu, thấp thỏm vì diện tích đất canh tác từng ngày bị “nuốt chửng” theo dòng nước.

Khoa học và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin về sự việc./.

Theo Đời sống
Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Tại một bãi đất quy hoạch thuộc địa bàn phường Phước Long A, TP Thủ Đức (TP HCM), vốn từ lâu được xem là “điểm đen” của rác thải tự phát, khi các bãi rác thải lớn ô nhiễm tồn tại “tra tấn” người dân sinh sống trong khu vực.
back to top